Đớn đau và kiêu hãnh

Nhóm PV (thực hiện) 24/12/2017 14:00

Trong đau thương của Hà Nội những đêm đông tháng Chạp 1972, giữa tiếng còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn và giọng Hà Nội chuẩn của cô phát thanh viên báo tin từng đợt B52 vào thành phố, những câu thơ bật ra, những bài hát vang lên, những bức tranh vẽ vội… Hà Nội trong máu và nước mắt, kiêu hãnh ngẩng đầu.

Đớn đau và kiêu hãnh

(Ảnh: tư liệu).

NSND Bùi Đình Hạc kể, ông là người được chứng kiến trọn vẹn Hà Nội gồng mình trong 12 ngày đêm khói lửa. 45 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đi qua những con phố, góc đường, vị đạo diễn già vẫn hình dung được không khí tang thương ngày ấy. Phố Khâm Thiên sau trận đánh chỉ còn là một đống đổ nát. Những chiếc xe tải chở quan tài chạy dọc trên phố… Nhưng từ đau thương ấy, Hà Nội vẫn vượt lên, dũng cảm chiến đấu và chiến thắng. 30 năm sau sự kiện 12 ngày đêm Hà Nội đau thương và anh dũng, năm 2002, ông hoàn thành bộ phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.

Ở đó có những cô gái mặc áo dài dịu hiền và lãng mạn, những chàng trai dễ mến. Ở đó không chỉ nói về chiến tranh mà còn là tình yêu, là sự gắn kết con người Hà Nội với nhau. Giữa 12 ngày đêm ác liệt ấy, bỗng có một ngày noel yên tĩnh lạ thường, trong không gian của đồng ruộng bát ngát, một ngôi nhà nhỏ yên bình, Tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân và cô du kích xã tên Hiền được tận hưởng một đêm trọn vẹn tình vợ chồng. Thế rồi trận B52 trải thảm xuống Hà Nội, nữ bác sĩ xinh đẹp Thủy Tiên mới đây còn say sưa ngắm một giò lan mới nở hoa, thoắt cái đã trút hơi thở cuối cùng trong đống đổ nát của Bệnh viện Bạch Mai. “Hà Nội 12 ngày đêm” – như lời tâm sự của NSND Bùi Đình Hạc, mục đích cuối cùng là đem đến cho khán giả những xúc cảm về sự lớn lao của con người Hà Nội trong chiến đấu.

NSND Lan Hương, người vào vai Ngọc Hà trong “Em bé Hà Nội”, kể: “Tháng 12/1972, khi ấy tôi 9 tuổi sống cùng ông bà ngoại ở phố Hoàng Hoa Thám. Tôi không biết ký ức về những ngày ấy trong trí nhớ của những đứa trẻ 9 tuổi khác như thế nào, nhưng trong ký ức của tôi đó là nỗi kinh hoàng. Tôi còn nhớ đêm đầu tiên Mỹ ném bom, rất bất ngờ, cả nhà tôi chỉ kịp nhìn thấy chớp giật ầm ầm, sau đó là tiếng la hét, tiếng khóc, tiếng gào vang lên từ khắp các phố. Gia đình tôi lao ào ra hầm trú ẩn cá nhân. Sáng sớm hôm sau, Thành phố hoang tàn, đổ nát”. Từ những ký ức kinh hoàng chân thực về những trận ném bom mùa đông năm 1972, nên khi được chọn vào vai Ngọc Hà, Lan Hương đã diễn bằng tất cả cảm xúc thật, tình cảm thật, Lan Hương đã có một vai diễn xuất sắc khi mới 10 tuổi, và “đóng đinh” tên tuổi “Em bé Hà Nội” với chị đến ngày nay.

Những câu thơ như những trang nhật ký tâm hồn Hà Nội trong trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” được nhà thơ Phan Vũ viết vào 12 ngày đêm mùa đông 1972, khi B52 điên cuồng trút bom xuống Hà Nội. Nhà thơ Phan Vũ kể: “Những ngày đó tôi và họa sĩ Bùi Xuân Phái rủ nhau đi lang thang trong đêm. Ông vẽ phố, còn tôi nghĩ về phố. Tôi viết bài thơ ấy trong khoảng 10 ngày. Nhà tôi ở phố Hàng Bún. Chiến tranh, người ta đi vắng hết. Bom đạn, cây cối nhà cửa đổ nát”. Cả một trường ca “Em ơi, Hà Nội phố” dằng dặc, không có một câu nào nhắc tới những từ như khi viết về chiến tranh người ta vẫn hay viết, mà da diết với những hoài niệm về một Hà Nội kiêu sa, tài tình trong khắc họa những ngày Hà Nội đau thương vì bị hủy diệt:

Một tháng chạp/ Con đường ngẩn ngơ/ Dãy phố không người ở/ Những khu trắng nằm trong tọa độ/ Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ/ Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa/ Tất cả thí thân cho một mất một còn/ Lời thề ra đi của những người bỏ phố/“Còn một đống gạch còn trở về nhà cũ!”/ Một tháng chạp/ Phường phố rền vang còi hụ/ Cái chết đến tự phương nào?/ Cách Thủ đô bao nhiêu cây số?/ Giọng Hà Nội thật ngọt ngào/ Cô gái loan truyền tin bão lửa/ “Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào!”/ Một tháng Chạp/ Cây bàng mồ côi mùa đông/ Mảnh trăng mồ côi mùa đông/ Nóc phố mồ côi mùa đông…/ Tháng Chạp năm ấy in hình bao mộ phố…

Hà Nội 12 ngày đêm năm ấy, vẫn vang lên “Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ”. Diệu kỳ một Hà Nội trong đau thương vẫn tĩnh tại, đài các, kiêu sa: Ta còn em chiếc xe hoa/ Qua hàng liễu rủ/ Điệp vàng rực rỡ/ Cánh tay trần trên gác cao khép cửa/ Những gót son dập dìu đại lộ/ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào/ Ta còn em tà áo nhung huyết dụ/ Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa/ Phường cũ lưu danh người đẹp lụa/ Ngõ phố nào in dấu hài hoa…?

45 năm sau chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, 45 năm ra đời trường ca “Em ơi, Hà Nội phố”, trường ca như một tượng đài về tâm hồn Hà Nội giữa chiến tranh vẫn lãng mạn, kiêu sa với những câu thơ tài hoa vào bậc nhất của nền thơ ca hiện đại, khắc khoải lòng người: Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/ Đã có tên/ Trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn sô/ Khói hương dài theo phố…/ Một tháng chạp/ Thâu đêm/ Mẹ/ Thức/ Hóa vàng…

Như lời kể của nhà thơ Phan Vũ về những đêm lang thang vẽ phố của danh hoạ Bùi Xuân Phái. Đêm 19/12/1972, Bùi Xuân Phái tự hoạ gương mặt mình với khung cảnh chớp lửa của đạn bom, trong đợt oanh kích bằng B52 của Mỹ. Ông tự vẽ mình với một cặp mắt mở to. Ông diễn tả một sự đón nhận đau đớn trước đau thương mất mát của người Hà Nội. Nhưng đôi mắt ấy cũng biểu đạt một tinh thần không sợ hãi…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đớn đau và kiêu hãnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO