Dọn kho nợ xấu

Thúy Hằng 04/05/2018 08:00

Phiên đấu giá đầu tiên bán tài sản liên quan đến các khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua của tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện theo Luật Đấu giá (có hiệu lực từ ngày 1/7/2017) đã chính thức thành công. Từ đây, mở thêm nhiều cơ hội cho việc dọn kho nợ xấu.

Tài sản đấu giá là khoản nợ xấu của Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn, Công ty VAMC đã mua từ BIDV. Cuộc đấu giá thực hiện theo phương thức trả giá lên, hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại giá khởi điểm đấu giá là 8.727.000.000 đồng. Người trúng đấu giá là một cá nhân với giá trúng đấu giá là 9.427.000.000 đồng, cao hơn 700.000.000 đồng so với mức giá khởi điểm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, phiên đấu giá được thực hiện thành công với sự tham gia của 2 khách hàng đăng ký đấu giá và sự chứng kiến của khách mời đại diện cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và VAMC. Cuộc đấu giá được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của VAMC, bảo đảm khách quan, công khai và minh bạch.

Cũng theo thông tin từ NHNN việc đấu giá thành công ngay phiên đấu giá đầu tiên do Công ty VAMC thực hiện, không chỉ thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của VAMC mà còn khẳng định vai trò và năng lực của VAMC trong hoạt động đấu giá tài sản là các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng. Qua đó, VAMC sẽ tạo ra những đóng góp tích cực, hợp tác và hỗ trợ các TCTD thúc đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu. Được biết trong tháng 6/2018, VAMC tiếp tục thực hiện phiên đấu giá đầu tiên đối với tài sản đảm bảo là Saigon One Tower với giá khởi điểm là 6.110 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với sự thành công ngay từ lần đấu giá đầu tiên này, sự kết hợp chặt chẽ hơn từ các TCTD, hy vọng VAMC sẽ đạt được kết quả tốt hơn trong việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu của các TCTD trong thời gian tới. Thực tế chỉ ra rằng, thời gian qua VAMC đã rất cố gắng xử lý nợ xấu. Công ty này không chỉ đơn thuần thực hiện việc gom nợ xấu tại các tổ chức tín dụng mà dần chuyển sang mua bán nợ theo giá thị trường và nỗ lực tổ chức các phiên đấu giá. Song việc tổ chức đấu giá có thành công hay không cũng rất khó đoán định. Nhiều tài sản phải đấu giá 7-8 lần, thậm chí 10 lần vẫn chưa có người mua.

Theo đánh giá của TS. Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC: Bức tranh mua bán nợ xấu đang sáng lên. Nhưng thị trường cũng muôn hình vạn trạng. Đấu giá tài sản hay khoản nợ thì cũng có cái dễ, có cái khó bởi phụ thuộc nhiều yếu tố từ thị trường, chất lượng khoản nợ ra sao, giá cả thế nào… Bên cạnh đó ông Thắng cũng cho biết VAMC đang nỗ lực thực hiện kế hoạch đã đăng ký với NHNN. Những giải pháp, kết quả mua bán, xử lý nợ xấu năm 2017 sẽ là động lực giúp VAMC hoàn thành kế hoạch trong năm 2018. Song, để việc mua bán, xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, VAMC mong muốn được tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ nội tại cũng như khung pháp lý.

Theo thống kê sơ bộ, VAMC đã mua 307.932 tỷ đồng nợ xấu nội bảng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng. Số nợ này được VAMC mua từ 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng kể từ khi thành lập đến hết 31/12/2017. Ngoài ra, VAMC đã ký hợp đồng với 5 tổ chức tín dụng để mua nợ theo giá thị trường của 6 khách hàng với tổng giá mua nợ là 3.142 tỷ đồng. Năm 2018, VMAC được giao xử lý được tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, nhiều hơn gần 5 lần so với con số đã xử lý trong năm 2017. Đồng thời cơ quan này cũng được giao mua nợ xấu theo giá trị thị trường tối thiểu 6.600 tỷ đồng thông qua các giải pháp được phê duyệt tại Đề án cấu lại và nâng cao năng lực hoạt động của VAMC giai đoạn 2017-2020 hướng tới 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dọn kho nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO