Đồng bằng sông Cửu Long: Cạn kiệt nguồn nước ngọt

Quốc Trung 27/04/2020 08:00

Theo nhận định của ngành khí tượng thuỷ văn, tại Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài cho đến tháng 5. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều kênh rạch, hồ chứa nước ngọt trong vùng đã cạn kiệt. Đặc biệt, hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây ở Bến Tre đã trơ đáy.

Đồng bằng sông Cửu Long: Cạn kiệt nguồn nước ngọt

Nhiều kênh rạch, hồ chứa nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt nước.

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre hiện đã nhìn thấy đáy. Đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ. Hàng ngàn hộ dân sống xung quanh hồ nước này đang đối diện với nguy cơ thiếu nước sinh hoạt khi nắng nóng tiếp tục kéo dài. Từ đầu tháng 4 đến nay, do không có mưa trong khi nhà máy xử lý nước hàng ngày hút 2.400m3/ngày đêm nước để xử lý nước ngọt cung cấp cho bà con nơi đây, bên cạnh đó đây cũng là nguồn nước cung cấp chính cho sản xuất nông nghiệp, hồ bị khai thác rất nhiều nên nước hồ cạn kiệt nhanh chóng.

Hồ cạn kiệt, mặn xâm nhập

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Hồ Ngọc Hậu - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết: Hồ nước ngọt Kênh Lấp là nguồn nước chính để nhà máy xử lý nước cung cấp cho 1.670 hộ dân các xã An Thuỷ, Tân Thuỷ, An Hoà Tây và Bảo Thuận của huyện Ba Tri. Hiện mực nước trong hồ Kênh Lấp đã thấp hơn mực nước chết 0,3m. Nếu nắng nóng vẫn gay gắt như hiện nay, chỉ khoảng hơn 1 tuần nữa toàn bộ hồ trữ nước này sẽ cạn.

Được biết, mấy ngày qua nhà máy phải thuê người nạo bùn để dồn nước về góc hồ. Cả ngàn hộ dân ở đây phải sử dụng nước máy bị nhiễm mặn từ nơi khác để tắm giặt. Còn ăn uống tiếp tục phải mua nước ngọt để sinh hoạt cầm chừng mong mùa mưa tới nhanh.

Bà Võ Chi Lăng, ngụ tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, hồ Kênh Lấp là nguồn nước sinh hoạt chính của bà con trong vùng, toàn bộ hoạt động tưới tiêu chăm sóc gia súc, gia cầm trông cả vào đây. “Biết làm sao bây giờ. Kênh ngoài này thì bị mặn. Chắc là phải đi đổi nước cho bò uống thôi. Ở đây ai cũng nuôi bò nhiều, thiếu nước cho bò không thể được”- bà Lăng lo lắng.

Ngán ngẩm với chuyện phải mua nước ngọt, bà Lê Thị Vân ngụ tại xã Phú Ngãi cho biết: Nước ngọt khan hiếm, đâu phải mua mà có nên bà con ở đây phải dùng tiết kiệm, ngày 1 thùng, 1 thùng 10 ngàn đồng, cũng chỉ để nấu ăn và uống. Tiết kiệm vậy nhưng 1 tháng cũng tốn 300 ngàn đồng.

Được biết, hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đi vào hoạt động từ tháng 8 ngoái. Theo thiết kế, hồ có trữ lượng 800.000m3, đảm bảo nước sinh hoạt cho 200.000 người dân của huyện Ba Tri và các vùng lân cận. Báo cáo từ cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, giai đoạn cuối tháng 4 này hồ gần như khô cạn hoàn toàn. Còn theo người dân ở khu vực này cho biết trong tháng 3 vừa qua nước trong hồ cũng bị nhiễm mặn.

Trao đổi với báo chí về việc nước trong hồ bị nhiễm mặn, ông Cao Văn Trọng- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết kết thúc mùa khô năm nay, tỉnh Bến Tre sẽ cho tháo mặn, xổ phèn ở hồ Kênh Lấp trước khi lấy nước tích trữ. Riêng việc khô cạn là điều khó có thể tránh khỏi bởi năm nay nắng nóng kéo dài.

Không chỉ hồ chứa nước ngọt ở Bến Tre bị cạn kiệt, hiện các hệ thống kênh rạch trữ nước các tỉnh trong vùng ĐBSLC cũng cạn trơ đáy, nguy hiểm nhất là hệ thống kênh rạch ở trong các khu rừng đang bị rút nước một cách báo động như ở Cà Mau và Kiên Giang, từ đó dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, nếu xảy ra cháy rừng không biết lấy nguồn nước ở đâu để dập lửa…

Đồng bằng sông Cửu Long: Cạn kiệt nguồn nước ngọt - 1

Người dân vùng ĐBSCL khó khăn trong lúc nguồn nước ngọt cạn kiệt.

Làm thế nào để trữ nước ngọt?

Trong một cuộc họp bàn về phương pháp tích trữ nước để thích ứng mùa khô hạn, GS.TS Trần Đình Hòa- Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã đưa ra 3 giải pháp: Đầu tiên là khôi phục hệ thống các ao hồ nhỏ tại những khu dân cư. Kế đến là tận dụng cải tạo, nạo vét các nhánh sông kênh rạch để trữ nước với chức năng như các hồ chứa nước tự nhiên. Việc duy trì được nguồn nước trong các nhánh sông này ngoài giúp giữ ổn định mực nước ngầm, còn giảm thiểu nguy cơ sụt lún đất. Cuối cùng mới tính tới chuyện xây dựng các hồ chứa nước lớn tại các vùng khan hiếm nước, mỗi vùng miền có đặc điểm khác nhau nên tính toán sao cho hợp lý.

Là người gắn cả đời để nghiên cứu về ĐBSCL Cửu Long, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết: Đến bây giờ các tỉnh mới nghĩ đến việc khôi phục ao hồ để trữ nước là hơi muộn, lẽ ra việc này phải làm sớm hơn. Ông bà ta đã đào ao, đìa quanh nhà, tận dụng các hố bom để cuối mùa mưa nước ngọt và cá tôm rút vào đó trú ẩn. Ngoài ra còn còn mua nhiều lu, khạp hoặc xây hồ bê tông âm dưới sàn nhà để tích trữ nước mưa, nhờ vậy đến mùa nắng khô hạn không thiếu nước dùng.

Ông Xuân đề xuất: Trong khi không có đất trống để xây hồ chứa lớn nên trồng lúa vụ 3 ở những vùng thường ngập lũ vừa phù hợp điều kiện làm nơi tích trữ nước ngọt trong mùa mưa lũ. Các vùng lúa còn lại có thể xây dựng lại với hệ thống mương liếp cao, thiết lập vùng cây ăn trái. Những mương sâu giữa các liếp cây ăn trái sẽ là những hồ chứa nước ngọt để sử dụng qua mùa nắng hạn. Quanh nhà nông dân, mỗi hộ có thể mua bồn chứa nước mưa sử dụng suốt mùa nắng.

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng cũng đã cố gắng thực hiện mọi giải pháp để ứng phó với hạn mặn, nhưng đầu tháng 4 vừa qua cũng phải ban bố tình trạng hạn mặn thiên tai cấp độ 2. Ông Lương Minh Quyết- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Sẽ tận dụng hệ thống kênh rạch sẵn có, nâng cấp nạo vét toàn bộ hệ thống kênh cấp 3 trở lên để trữ nước cho cả vùng. Ngoài ra vận động người dân tập trung nạo vét sâu hệ thống thủy lợi nội đồng. Sóc Trăng cũng đang triển khai mô hình người dân tự nạo vét ao đìa hoặc dành từ 5 đến 10% diện tích đất để đào sâu trữ nước. Đây là giải pháp căn cơ nhằm thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong tương lai…

Những ngày qua những cơn mưa lác đác đã xuất hiện, phần nào giải nhiệt cho vùng ĐBSCL. Nhưng nhìn những hồ nước cạn kiệt, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn thì có thể thấy khó khăn vẫn còn kéo dài…

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, đến thời điểm hiện tại, diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn, mặn mùa khô năm 2019-2020 là trên 35.500 ha. Cụ thể, lúa Thu Đông 2019, thiệt hại 114,32 ha tập trung ở huyện Ba Tri. Rau màu, thiệt hại trên 167,8 ha; dừa thiệt hại trên 23.200 ha; cây ăn trái thiệt hại gần 12.000 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Cạn kiệt nguồn nước ngọt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO