Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn vẫn uy hiếp

Quốc Trung - Hồng Dương 18/03/2020 08:00

Hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Hệ thống sông, kênh rạch vẫn cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn vẫn uy hiếp

Hạn mặn kéo dài, nhiều khu dân cư ở Cà Mau gặp khó khăn.

Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và hoạt động dân sinh của người dân trong tỉnh. Đến thời điểm này, trên địa bàn Cà Mau có hơn 19.320 ha lúa bị thiệt hại, trong đó thiệt hại trên 70% (hơn 12.530 ha), tập trung nhiều tại hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Ngoài ra còn có hơn 22 ha hoa màu và 24 ha nuôi trồng thủy sản của người dân bị thiệt hại. Hơn 20.850 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 17/3, có mặt tại xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời) chúng tôi chứng kiến nhiều dòng sông, kênh rạch khô kiệt. Ông Bùi An Khuê- ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết, do hạn mặn khốc liệt, nhiều diện tích lúa của người dân “chết cháy”. “Gia đình tôi thuê máy cắt để thu hoạch lúa. Chỉ trả được chi phí thuê mướn, còn thì mất trắng”- ông Khuê nói.

Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Văn Lượm (ngụ huyện Cái Nước). Ông Lượm cho biết, do nắng nóng nên độ mặn trên các con sông tăng cao khiến tôm nuôi của gia đình chậm lớn, dễ mắc bệnh. Theo lời ông Lượm, trước đó khoảng 5 tháng thả nuôi thì tôm có thể đạt trọng lượng trên dưới 40 con/kg, cua thì khoảng 300 gram/con. Tuy nhiên, do nắng hạn nên cùng khoảng thời gian nuôi như nhau nhưng tôm nuôi phải 60-70 con mới được 1kg.

Tại Bạc Liêu, mặc dù nước ngọt được điều tiết về khu vực Giá Rai đủ phục vụ cho lúa nhưng diện tích lúa đều đã bị thiệt hại do người dân xuống giống trễ vụ. Theo các hộ dân, nếu lấy nước cứu lúa đến khi thu hoạch vẫn không có lãi nên người dân không bơm nước dẫn đến thiệt hại hoàn toàn.

Ước tính tới thời điểm này, qua đợt hạn mặn kéo dài, có khoảng 95 nghìn hộ dân ĐBSCL đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Nhiều nơi ruộng đồng mất trắng, khó khăn rất lớn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ thì cũng cần nhìn nhận, hạn hán, xâm nhập mặn gây nhiều khó khăn cho sinh kế và đời sống của người dân ven biển và vùng lân cận nhưng nhờ rút được bài học đối phó với hạn, mặn năm 2016 nên năm 2020, hạn mặn có gay gắt hơn, nhưng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cũng đã giảm đi nhiều.

Thực tế lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, người dân nơi đây đã biết chủ động thích ứng tự nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên và điều kiện thực tế. Người dân ven biển dùng lu, khạp, ao, đìa… để trữ nước ngọt mùa mưa dùng cho mùa khô. Trong một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng vẫn có nhiều nông dân “né hạn” nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại. Đó cũng là cách mà người đồng bằng đã hiện thực hóa thành công triết lý “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Hạn mặn vẫn uy hiếp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO