Đồng bằng sông Cửu Long: Nóng, lạnh thị trường lúa gạo

Khánh - Trung - Nhân 13/04/2016 08:05

Giá lúa cuối vụ Đông - Xuân tại ĐBSCL tăng mạnh vào những ngày cuối tháng 3, thế nhưng vào thời điểm này thị trường lúa gạo bỗng dưng trầm lắng. Sức mua giảm. Các nhà kho nhỏ thông báo ngưng thu mua…

Đồng bằng sông Cửu Long: Nóng, lạnh thị trường lúa gạo

Thu hoạch lúa ở ĐBSCL.

Tranh mua trên nhiều cánh đồng

Hiện nay, toàn vùng đã thu hoạch hơn 1,1 triệu ha lúa Đông - Xuân, năng suất 6,8 tấn/ha. Hạn, mặn gay gắt gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa của các tỉnh ven biển. Khả năng sẽ có khoảng 500.000 ha lúa ở vùng ĐBSCL không thể xuống giống đúng thời vụ, chiếm gần 30% diện tích gieo trồng lúa trong vùng. Như vậy, trước diễn biến mùa vụ không thuận lợi, các nhà chuyên môn ước tính toàn vùng sẽ sụt giảm sản lượng khoảng 800.000 tấn lúa.

Tuy nhiên, dù hạn mặn đang diễn ra khốc liệt, nhưng vẫn có nhiều địa phương nằm trong phạm vi an toàn. Không chỉ lúa mà nhiều nông dân trồng nếp cũng thắng lớn do được mùa và trúng giá. Diện tích nếp gieo trồng trong vụ Đông - Xuân của toàn huyện Phú Tân (An Giang) là 23.433 ha tập trung ở các xã như: Phú Xuân, Phú Hưng, Phú Lâm, Phú Thọ...

Hiện giá lúa nếp được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá khoảng 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng khoảng 1.500 – 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Anh Võ Hữu Lực ở xã Phú Thọ, cho biết: Với 1 ha đất trồng nếp, gia đình anh thu hoạch được khoảng 7,5 tấn, trừ đi các chi phí, còn lãi trên 40 triệu đồng.

Giới kinh doanh lúa gạo cho rằng việc xâm ngập mặn sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa nên khi vụ Đông - Xuân chưa kết thúc thì tình trạng thương lái ồ ạt đi thu mua lúa, diễn ra cảnh tranh mua trên nhiều cánh đồng. Các cánh đồng lúa lúa Hè - Thu mới xuống giống hơn tháng tuổi nhưng thương lái cũng tìm đến mặc cả với nông dân đề nghị đặt tiền cọc mua lúa non.

Giá bán vẫn không cao so với mặt bằng chung

Về tình hình xuất khẩu lúa gạo, thế mạnh của ĐBSCL, Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA cho biết: Khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,59 triệu tấn và 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 2 năm 2016 đạt 433 USD/tấn, giảm 5,78% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng gần 97% so với cùng kỳ năm ngoái do còn khoảng 1,2 triệu tấn gạo từ năm 2015 chuyển sang và đầu năm 2016 Việt Nam lại ký được nhiều hợp đồng mới nâng lượng hợp đồng mới giao từ tháng 3 trở đi đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn. Ngoài ra yếu tố cầu tăng từ xuất khẩu đường mậu biên sang Trung Quốc cũng tác động lớn đến tình hình giá cả lúa gạo trong nước.

Trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, Indonesia vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 330,3 nghìn tấn và 131,01 triệu USD, tăng 213,1 lần về khối lượng và 196,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015, chiếm thị phần đạt 31,42%. Trung Quốc, đứng vị trí thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17,15% thị phần. Các thị trường có sự tăng trưởng mạnh là thị trường Philippines tăng hơn 11 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 13,75% thị phần.

Theo ông Năng thì tuy số lượng có tăng nhưng giá bán vẫn không cao so với mặt bằng chung. Diễn biến giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 3 như sau: tại An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 từ 4.550 đ/kg lên 5.000 đ/kg; lúa OM 2717 tăng từ 4.700 đ/kg lên 4.950 đ/kg, tăng 450 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường tăng từ 5.400 đ/kg lên 5.500 đ/kg, lúa dài tăng từ 5.600 đ/kg lên 5.900 đ/kg.

Với mức giá lúa như vậy, nông dân ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho biết họ có lãi từ 10 đến 15 triệu đồng/ha. Những hộ chuyên trồng lúa thơm Jasmine hoặc lúa ST thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều. Sau khi trừ chi phí còn lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/ha. Những hộ trồng lúa nếp lãi gần 40 triệu đồng/ha.

Sau hơn 1 tháng giá lúa tăng liên tục thì thời điểm này giá lúa lại giảm. Nhiều doanh nghiệp, nhà kho thông báo ngưng thu mua lúa, gạo. Theo nhận định của bà Lưu Thị Lan - Phó tổng giám đốc Công ty CP Gentraco thì nguyên nhân của thị trường lúa gạo giảm sôi động do các doanh nghiệp đã thu mua đủ số lương cung ứng, chưa ký được hợp đồng xuất khẩu mới; tình hình xuất khẩu chậm lại do các doanh nghiệp chưa chào bán được gạo trắng, gạo chợ mà chỉ chào bán gạo nếp. Hiện lượng lúa chưa thu hoạch trong dân không còn nhiều mà thương lái cũng không ăn mạnh như trong tháng 3.2016.

Giá lúa gạo đứng mức cao

Theo thống kê từ cục Quản lý giá, Bộ Tài chính do ảnh hưởng của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long nên giá thóc gạo tại miền Nam tăng khoảng 300- 700 đồng/kg so với tháng 2, tăng khoảng 100-250 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Cục quản lý giá dự báo, trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippin nên giá gạo thế giới có khả năng ổn định. Trong nước, giá lúa gạo tại các tỉnh phía Bắc tương đối ổn định, phía Nam tiếp tục đứng ở mức cao.

H.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Nóng, lạnh thị trường lúa gạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO