Đồng bào dân tộc Mường tái hiện nghi lễ Mát nhà - nét văn hóa nơi vùng cao

Quang Vinh - Hoàng Vân 21/11/2021 21:39

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân sự kiện Tuần lễ “Đại đoàn kết dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã tái hiện nghi lễ Mát nhà, thể hiện nét văn hóa độc đáo vốn đã trở thành nghi lễ.

Lễ Mát nhà thường được tổ chức dịp đầu năm, tuy nhiên cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm Lễ Mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Ảnh: Quang Vinh.

Đồng bào Mường có một kho tàng văn hóa, tín ngưỡng dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Khi nhắc đến nét văn hóa tín ngưỡng của người Mường, đồng bào dân tộc thường nói về nghi lễ Mát nhà – nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường.

Nghi lễ Mát nhà sẽ được tiến hành sau 3 hồi chuông.

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động nhân sự kiện Tuần lễ “Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” diễn ra tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc, đồng bào dân tộc Mường đến từ tỉnh Hòa Bình đã tái hiện nghi lễ Mát nhà, qua đó thể hiện nét văn hóa đặc trưng vốn đã trở thành nghi lễ.

Lễ Mát nhà được chủ trì bởi thầy mo, người vừa có tâm, vừa có đức. Ảnh: Quang Vinh.

Lễ Mát nhà hay gọi như người Kinh là lễ giải hạn, chính là lễ để xua đuổi hóa giải những điều xấu, cầu may mắn. Nhiều gia đình thường tổ chức lễ này vào dịp đầu năm. Tuy nhiên cũng có những gia đình gặp điều không may thì tiến hành làm lễ Mát nhà vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Cũng có nhiều gia đình tổ chức lễ sau thời gian thu hoạch vụ mùa, khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.

Đội nghi lễ diện trang phục lộng lẫy đứng phía sau thầy mo. Ảnh: Quang Vinh.

Trong lễ Mát nhà của người Mường Hòa Bình, vai trò của thầy mo rất quan trọng. Thầy mo là cầu nối giữa thần linh với con người. Khi được gia chủ mời về làm lễ, thầy mo sẽ chuẩn bị các đồ vật cần thiết sử dụng trong nghi lễ gồm túi khót, quạt… Cũng có thầy mo còn chuẩn bị một bảo kiếm với ý nghĩa ngày xưa, khi địa hình đồi núi còn rậm rạp, phức tạp, khi đón thầy về làm lễ, thanh kiếm sẽ như một vật tượng trưng được cầm đi trước để bảo vệ thầy khỏi những vật cản.

Đồ cúng được gia chủ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.

Để thực hiện lễ Mát nhà theo đúng nghi lễ truyền thống của nhà làng, gia chủ phải chuẩn bị đồ lễ phục vụ cho lễ cúng khá chi tiết, cầu kỳ. Lễ cúng phải có các mâm cỗ với đủ các món: rượu, xôi, thịt lợn, gà, chó, rau, quả đu đủ, hoa dâm bụt, trầu cau…Mâm lót lá chuối và được đặt ở các vị trí theo sự hướng dẫn của thầy mo. Lễ cúng được thực hiện từ 9h sáng với hàng chục người phục vụ, bày biện đồ lễ …

Lễ Mát nhà được xem là một nghi lễ truyền thống, nét văn hóa không thể thiếu của đồng bào Mường. Ảnh: Quang Vinh.

Lễ cúng được tiến hành tại nơi cửa sổ chính nơi thầy mo ngồi - vị trí thường giành cho những người có chức vụ cao nhất trong nhà. Để lễ Mát nhà được theo đúng ý nguyện, thầy mo mời thần hoàng bàn thổ, thổ công bản địa, sau đó mới thỉnh các vị thần thánh anh em, hay còn gọi là các vị thần nông nghiệp từ Mường Trời về. Nghi lễ có ý nghĩa mở tiệc dâng các ngài, sau đó sẽ giúp đỡ xua đuổi tà ma, bắt đi những điều xấu, phù hộ cho gia chủ làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh. Tiếp theo sau đó, thầy mo mời các đấng bề trên thụ hưởng lễ vật, thưởng thức rượu cần của dân tộc Mường.

Ngày làm lễ, thầy mo chính đóng vai trò quan trọng khi tiến hành nghi lễ Mát nhà, thầy sẽ là cầu nối giữa cõi trần và cõi âm, thực hiện toàn bộ nghi lễ diễn ra được thuận buồm xuôi gió. Thầy mo sẽ tiến hành báo cáo, mời gọi thánh thư của gia chủ hôm nay. Thánh thư là tên gọi những đời làm thầy trong gia đình thầy mo.

Đây được xem là nghi thức bắt buộc đầu tiên đối với tất cả các thầy mo Mường khi tiến hành nghi lễ Mát nhà. Thánh thư trong quan niệm của người Mường rất quan trọng, nên sẽ được mời về để chứng giám, phù hộ cho mọi nghi lễ được diễn ra tốt đẹp và thuận lợi.

Chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Ảnh: Quang Vinh.

Chiếc quạt trên tay thầy mo là nghi lễ quạt đi những khí xấu, lấy lại những khí tốt đẹp, khí mát cho gia chủ. Nghi lễ này có ý nghĩa rất quan trọng bởi người Mường quan niệm, quyền năng từ chiếc quạt mà thầy mo sử dụng có sức mạnh tối thượng chống lại tà ma. Thầy mo sẽ làm phép và vẩy nước quanh nhà gia chủ cùng với những lời chú nguyện mang điều may mắn đến với gia chủ.

Thầy mo vẩy nước mát cho gia chủ. Ảnh: Quang Vinh.

Tiếp đến, thầy mo dùng nước vẩy mát quanh nhà. Sau khi đồ vật trong nhà đều được làm mát, thầy mo tiếp tục thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay, cầu phúc cho gia chủ và mọi người. Sợi chỉ đỏ được thầy mo đọc chú và buộc vào cổ tay, nam tay trái, nữ tay phải, giúp cho mọi người luôn gặp may mắn bình an, tai qua nạn khỏi, ấm no hạnh phúc.

Thầy mo buộc chỉ tay cho các thành viên và du khách tới tham quan. Ảnh: Quang Vinh.

Những du khách khi đến tham quan đồng bào dân tộc Mường tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc đều sẽ được thầy mo buộc chỉ vào tay, cùng hi vọng may mắn của người Mường sẽ được nhân rộng khắp muôn nơi.

Đối với người Mường, lễ buộc chỉ tay còn được gọi là "Lễ làm ngái". Ảnh: Quang Vinh.

Là một trong những du khách, được trải nghiệm những nét văn hóa dân tộc Mường cũng như quan sát nghi lễ Mát nhà, anh Nguyễn Thanh Duy (40 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) tỏ ra thích thú trước những nghi lễ của đồng bào dân tộc Mường.

“Nhờ có dịp này mà tôi mới biết thêm và hiểu rõ hơn về nếp sống, văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mường. Có lẽ, tôi nên tham gia nhiều những hoạt động như thế này để tích lũy thêm trải nghiệm cho mình. Qủa rất thú vị”, anh Duy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bào dân tộc Mường tái hiện nghi lễ Mát nhà - nét văn hóa nơi vùng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO