Đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng

M.Loan-H.Vũ 09/11/2022 06:00

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 8/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại buổi thảo luận ngày 8/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tình trạng gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, đã tiến hành kiểm tra tại 8.975 cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã phát hiện, chấn chỉnh và xử lý 477 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tăng 299 trường hợp so với năm 2021. Năm 2022, có 14 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với tổng số tiền là 260,7 triệu đồng.

Về kiểm soát tài sản, thu nhập đã có 542.337 người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; đã xác minh tài sản, thu nhập đối với 7.662 người; đã được kiểm tra việc thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 4.934 số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng, đã chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Tuy nhiên, theo ông Phong, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng còn hạn chế.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội), tham nhũng vặt ngày càng diễn ra trầm trọng hơn. Những hành vi này có thể gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc theo cách “bóp chặt”, “hù dọa” người dân, khiến người dân phải đi lại nhiều lần, biếu xén quà cáp. Nhiều vụ việc đòi hỏi phải “bôi trơn” và ngày càng trở nên phổ biến, có thể gặp trong mọi lĩnh vực, từ khám chữa bệnh, làm thủ tục hải quan, mua bán đất đai, bổ nhiệm cán bộ, kỳ thi âm nhạc, bảo vệ luận án, học hàm, học vị.

“Tình trạng tham nhũng vặt như chiếc vòi bạch tuộc, vừa nhiều vòi, vừa bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước nhà đầu tư và hoạt động xã hội bị chậm lại, thậm chí đổ vỡ; làm xói mòn niềm tin của nhân dân về đội ngũ “công bộc” nhân dân”. Do đó các đơn vị cần tập trung hơn nữa phòng chống tiêu cực, tham nhũng vặt” - ông Trí nói.

Thẩm tra báo cáo trên, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế. Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.

“Đáng lưu ý là nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do những nguyên nhân khác nhau, trong đó nhiều hạn chế có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả” - bà Nga chỉ rõ.

Quang cảnh phiên họp ngày 8/11. Ảnh: Quang Vinh.

Tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” gia tăng

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong năm 2022 tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi.

Theo bà Lê Thị Nga, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Từ tình hình PCTN năm 2022, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, trong thời gian tới Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác PCTN trong lĩnh vực đất đai. Việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng. Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại. “Nếu thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm” - ông Hoàn bày tỏ.

Đánh giá các vụ án kinh tế, tham nhũng, vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hiện, điều tra, xử lý mang lại nhiều niềm tin của người dân đặc biệt là công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, hối lộ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) đề nghị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt trong thực thi công vụ. Các cơ quan chức năng tập trung đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực kinh tế. Phát hiện xử lý hành vi móc nối để trục lợi trong quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá miễn, giảm thuế.

“Đề nghị Chính phủ giám sát chặt chẽ lĩnh vực: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thu hồi tài sản thất thoát và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng và thực thi công vụ” - ông Hòa nói.

Đưa ra dẫn chứng theo khảo sát của VCCI, 25% doanh nghiệp chủ động chi trả chi phí không chính thức để tham gia đấu thầu; 10% chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu và 59% doanh nghiệp cho biết việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là luật bất thành văn, mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, nếu hoạt động đấu thầu không được quản lý và quy định chặt chẽ, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi.

“Ở một số vụ án, khi đi sâu điều tra, cơ quan chức năng mới phát hiện sự móc ngoặc tinh vi giữa chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, thẩm định giá, trúng thầu. Giá trị gói thầu tăng gấp nhiều lần so với giá trị thực. Do đó kiến nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hướng hoạt động vào mảng đấu thầu, nhất là vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm” - bà Thủy nói và kiến nghị khi sửa Luật Đấu thầu, Chính phủ cần công khai điều kiện dự thầu, danh sách năng lực của nhà thầu, điều kiện trúng thầu, quá trình chấm thầu, kết quả thách thầu và kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí kiến nghị: Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý hình sự theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Đồng thời tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục. Hiện nay trong thực tế cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi.

Cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nên trong chính sách hình sự chúng ta cần phân định, có chính sách xử lý phân hóa như trên sẽ hiệu quả, thuyết phục.

Tội phạm về tham nhũng, chức vụ được phát hiệntăng 40,97%

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, phòng, chống dịch bệnh. “Số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế phát hiện giảm 36,68%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ phát hiện tăng 40,97%” - Bộ trưởng cho hay.

Thu hồi tài sản tham nhũng về tiền tăng 290,51%

Về kết quả thi hành án đối với các khoản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022 đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609 tỷ 972 triệu đồng. Số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593 tỷ 296 triệu đồng. Đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với 15.989 tỷ 592 triệu đồng, tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO