Đồng Nai: Lấy ý kiến góp ý Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Mạnh Thìn 01/08/2022 16:21

Chiều ngày 1/8, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Các đại biểu tham dự hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ảnh: Mạnh Thìn.

Tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống đã trao đổi một số thông tin xoay quanh về việc lấy ý kiến Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu dẫn đề tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Thìn.

Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là Dự thảo Luật có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Vì vậy, trong quá trình thảo luận, bên cạnh những nội dung đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội thì một số nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 7 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Bà Lưu Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mạnh Thìn.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung nhiều điểm mới như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm...

Đại diện Ủy Ban MTTQ Việt Nam huyện Thống Nhất nêu ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật. Ảnh: Mạnh Thìn.

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo các đại biểu, tại những hội nghị lấy ý kiến ở cơ sở, đại đa số nhân dân, cử tri đều đồng thuận, đánh giá cao Dự thảo Luật.

Các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề trong Dự thảo Luật như: Cần phải quy định rõ hơn về chủ thể trong chịu trách nhiệm thực hiện Luật, trong đó có vai trò của Mặt trận; vai trò trách nhiệm của Ban Thanh tra Nhân dân. Trình tự thủ tục thành lập Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng hết sức rườm rà, cần rút gọn để làm sao dễ thực hiện; tiêu chí hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát cộng đồng; Một số hình thức công khai các thông tin, dự án chưa được phù hợp thực tế, cần bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; rà soát lại quy định về việc ban hành nghị quyết của cộng đồng dân cư; cơ chế đảm bảo quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Luật chưa phân rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh riêng; nói rõ lợi ích cộng đồng dân cư là gì?…

Ý kiến của đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Cửu được hội nghị đánh giá cao. Ảnh: Mạnh Thìn.

Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung hoặc thay thế một số nội dung, từ ngữ nhằm làm rõ thêm phạm vi, đối tượng điều chỉnh trong Dự thảo Luật.

Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiếp thu, ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp, qua đó, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Nai: Lấy ý kiến góp ý Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO