Đông Nam Á bừng tỉnh

Hà Anh 20/03/2021 04:01

Trong khi các nước phương Tây vẫn đang vật lộn với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, với hàng trăm biến chủng mới không ngừng được phát hiện ở khắp nơi trong khu vực, thì tại Đông Nam Á, việc khắc phục dịch bệnh đang có chiều hướng tích cực, nhiều nước đang triển khai các dự án nhằm thúc đẩy nền kinh tế vốn đã bị tổn thương sau một thời gian dài chống chọi với đại dịch.

Người dân thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) tự tin khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát.

Rục rịch thúc đẩy kinh tế

Mới dây, Tổng thống Singapore Halimah Yacob đã chính thức phê chuẩn ngân sách quốc gia với tổng trị giá 107 tỷ SGD (79,5 tỷ USD) cho tài khóa 2021 của “đảo quốc sư tử”, trong đó, 11 tỷ SGD sẽ được huy động từ nguồn dự trữ quốc gia.

Đây là lần đầu tiên ngân sách của quốc gia Đông Nam Á này phải rút từ nguồn dự trữ quốc gia trong năm tài chính thứ hai liên tiếp. Khoản tiền 11 tỷ SGD này sẽ được tài trợ cho Gói Phục hồi Covid-19, bao gồm các biện pháp hỗ trợ y tế công và mở cửa trở lại an toàn như chương trình tiêm chủng vaccine trên toàn quốc, tiếp tục hỗ trợ các công ty và người lao động, và hỗ trợ có mục tiêu đối với các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất như hàng không.

Cộng với số tiền đã được Tổng thống phê chuẩn năm ngoái, tổng số tiền rút từ nguồn dự trữ quốc gia của Singapore cho hai năm tài chính lên tới 53,7 tỷ SGD.

Cùng với đó, ngày 17/3, Bộ trưởng Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa cho biết, dự án xây dựng thủ đô mới của nước này sẽ được tiếp tục trong năm nay với mục tiêu hoàn thành vào năm 2024.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Suharso Monoarfa đồng thời là người chịu trách nhiệm giám sát kế hoạch tổng thể xây dựng thủ đô mới, cho biết ước tính ngân sách ban đầu cho việc xây dựng thành phố thủ đô mới lên tới 466.000 tỷ rupiah (hơn 32 tỷ USD). Tuy nhiên, con số này vẫn đang được điều chỉnh theo chiến lược và giai đoạn phát triển của dự án.

Hơn thế nữa, theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2020, Malaysia tiếp tục dẫn đầu năm thứ 8 liên tiếp trong bảng xếp hạng Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI).

Bản báo cáo nhận định, các lĩnh vực kinh tế và công nghệ tài chính (fintech) của Malaysia tiếp tục phát triển với những hỗ trợ từ Chính phủ cùng sự thúc đẩy liên tục của Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) trong nỗ lực mở rộng số hóa nền kinh tế, định hình hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển.

Phó Chủ tịch MDEC Gopi Ganesalingam khẳng định sự công nhận các giá trị này ở phạm vi toàn cầu mở đường cho Malaysia tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với tư cách là trung tâm fintech Hồi giáo và hướng tới trở thành “trái tim” của ASEAN về lĩnh vực số hóa.

Tại Thái Lan, khi nhu cầu vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ tăng mạnh, nước này đang nỗ lực quy hoạch và phát triển các dự án sân bay nhằm bắt kịp sự nở rộ của ngành vận tải hàng không.

Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đã nhận định rằng thị trường hàng không châu Á Thái Bình Dương sẽ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới đến năm 2035 do diện tích địa lý rộng lớn, kinh tế tăng trưởng nhanh và sự bùng nổ của ngành du lịch.

Không quên những thách thức

Dù bắt đầu có sự khởi sắc trong các dự án thúc đẩy nền kinh tế, nhưng trong năm 2020, ngoại trừ Việt Nam, phần lớn các nền kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, đều suy giảm tăng trưởng mạnh vì đại dịch Covid-19. Triển vọng kinh tế khu vực hiện được giới phân tích dự báo tươi sáng hơn, nhưng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn với đa số các nền kinh tế Đông Nam Á.

Thái Lan có nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, do vậy đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế nước này thiệt hại nặng nề. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP ròng của Thái Lan sẽ ở mức âm trong năm 2021. Krungthai Compass, cơ quan nghiên cứu của Ngân hàng Krungthai, vừa dự báo lạc quan hơn khi cho rằng GDP của Thái Lan trong năm 2021 sẽ tăng trưởng 2,5%, với giả định các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn những ca nhiễm Covid-19 mới sẽ được chính phủ duy trì cho đến tháng 2.

Đại dịch Covid-19 cũng đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á là Indonesia. Theo dự báo kinh tế mới nhất từ giới chuyên gia, GDP của Indonesia giảm 2,2% vào năm 2020 và phục hồi lên mức tăng trưởng 6% vào năm 2021 nhờ sự gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng trưởng kinh tế của Indonesia dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2021, nhưng đại dịch sẽ tiếp tục làm suy giảm các hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, các nền kinh tế lớn khác như Singapore hay Philippines cũng tiếp tục lâm vào tình cảnh khó khăn trong năm nay, sau khi đã suy giảm mạnh năm 2020.

Số liệu ước tính ban đầu mà Bộ Công Thương Singapore (MTI) vừa công bố cho thấy, GDP của nước này năm 2020 suy giảm 5,8%. Đây là mức suy giảm mạnh nhất từ trước tới nay, song vẫn ít hơn so mức suy giảm 6,5% được dự báo trước đó.

Tại Philippines, giới phân tích nhận định, kinh tế nước này suy giảm từ 8,5 đến 9,5% trong năm 2020, song sẽ phục hồi trong năm 2021 với đà tăng trưởng từ 6,5 đến 7,5% và tiếp tục tăng trưởng từ 8 đến 10% trong năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Philippines trong năm nay không chắc chắn khi dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và số ca tử vong vì Covid-19 hiện đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Tìm “cơ” trong “nguy”

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Đổi mới thông qua hợp tác: Lập kế hoạch cho sự phục hồi sau dịch Covid-19” được tổ chức tại thủ đô Manila của Philippines hôm 17/3, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa cho rằng, các nước Đông Nam Á đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 có thể hưởng lợi từ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi dữ liệu và huy động nguồn thu ngân sách thông qua cải cách.

Ông Masatsugu nêu rõ khi các quốc gia dần dần hồi phục sau dịch Covid-19 và những tác động do đại dịch này gây ra đối với nền kinh tế, thế giới đang đứng trước thời điểm quan trọng.

Đại dịch Covid-19 mang đến cơ hội để tái thiết nhằm phục hồi một cách ổn định, toàn diện và bền vững hơn. Trên thực tế, các quốc gia ở Đông Nam Á đã phân bổ hơn 420 tỷ USD cho các biện pháp ứng phó với Covid-19.

Cũng theo Chủ tịch ADB, tất cả các biện pháp nêu trên đều đòi hỏi sự hợp tác và chia sẻ kiến thức của các nước trong khu vực Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á bừng tỉnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO