Đông Nam Á trước nguy cơ siêu lây nhiễm Covid-19

Hà Anh 19/05/2021 07:53

Dịch Covid-19 tại khu vực Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp với sự gia tăng của các ca mắc mới. Khu vực này lại đón nhận những thông tin không vui khi các nhà khoa học cảnh báo Malaysia có thể trở thành nơi bùng phát và lây lan một số biến thể “siêu lây nhiễm” của virus SARS-CoV-2.

Người dân Malaysia lo ngại đợt bùng phát dịch mới. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ bùng phát siêu biến thể

Theo các nhà virus học, trong khi Bộ Y tế Malaysia đang tập trung vào các biến thể mới xâm nhập, đặc biệt là B1617 từ Ấn Độ, các chủng địa phương không xác định có thể làm nghiêm trọng thêm làn sóng hiện nay. Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Các bệnh Truyền nhiễm Nhiệt đới thuộc Đại học Malaysia cho biết, cơ sở này đã xác định được hai chủng virus tiềm ẩn tại địa phương và đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Malaysia những ngày qua chứng kiến số ca mắc Covid-19 cao nhất trong vòng 3 tháng qua với tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 ở Đông Nam Á sau Indonesia và Phillipines. Chính phủ đã buộc phải ban bố tình trạng phong tỏa quốc gia chỉ vài ngày trước Lễ Eid al-Fitr.

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cũng cảnh báo:“Với các biến thể mới, tỷ lệ lây nhiễm ở người trẻ đang tăng lên. Các triệu chứng cũng đang nghiêm trọng hơn. Nhiều bệnh nhân không đáp ứng với việc điều trị”.

Trước thực trạng đó, ngày 17/5, Bộ Y tế Malaysia cho biết, nước này có thể phải đóng cửa hoàn toàn bang Selangor - vốn là trung tâm vận tải biển và công nghiệp, đóng góp chính cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay vẫn tiếp diễn.

Trước đó hai tuần, Chính phủ Malaysia đã cấm các hoạt động xã hội và đi lại giữa các huyện và bang, như một phần của Lệnh Kiểm soát đi lại (MCO), được áp đặt trước kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr.

Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba, nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, hoạt động kinh doanh hiện nay ở Selangor - bang đông dân nhất trên cả nước, có thể phải tạm ngừng.

Trong 24 giờ qua, Malaysia cũng ghi nhận thêm 45 ca tử vong do Covid-19 - mức cao nhất kể từ trước tới nay và 4.446 ca nhiễm mới. Như vậy, tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lần lượt là 474.556 và 1.947.

Số ca tử vong ở mức kỷ lục

Ngày 18/5, Thái Lan đã ghi nhận số ca tử vong do mắc Covid-19 tính theo ngày ở mức kỷ lục với 35 người, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải nỗ lực đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Thái Lan cũng xác nhận thêm 2.473 ca nhiễm mới, trong đó có 680 ca là các tù nhân. Như vậy, cho đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 113.555 ca mắc Covid-19 trên cả nước và số người tử vong đã tăng lên 649.

Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh bản đồ phân vùng các tỉnh có bệnh nhân Covid-19, giảm số lượng các tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm thuộc diện kiểm soát tối đa xuống còn 4 tỉnh là Bangkok, Nonthaburi, Samat Prakan và Pathum Thani. Các tỉnh còn lại gồm 17 tỉnh thuộc Vùng đỏ và 56 tỉnh thuộc Vùng da cam.

Kể từ ngày 17/5, các quán ăn và nhà hàng tại 4 tỉnh thuộc Vùng đỏ sẫm sẽ được phép phục vụ ăn uống tại chỗ tới 21 giờ với 25% tổng số ghế ngồi.

Các quán ăn tại 17 tỉnh Vùng đỏ sẽ được phép hoạt động tới 23 giờ mà không bị hạn chế về số ghế phục vụ khách, trong khi các quán ăn tại các tỉnh thuộc Vùng da cam được phép nối lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đồ uống có cồn chưa được phép được phục vụ tại tất cả các cơ sở trên toàn quốc.

Cho đến nay, Thái Lan đã tiêm được hơn 2,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Thái Lan tuần trước đã phê duyệt đăng ký vaccine Moderna để sử dụng khẩn cấp trong thời hạn 1 năm. Đây là loại vaccine thứ 4 được FDA Thái Lan chấp thuận, sau các loại vaccine của các hãng AstraZeneca, Sinovac và Johnson & Johnson.

Không thể chủ quan

Bộ Y tế Indonesia ngày 17/5 đã đình chỉ một lô vaccine AstraZeneca để kiểm tra lại tính an toàn của vaccine này sau khi có trường hợp tử vong.

Việc đình chỉ được đưa ra sau báo cáo về hai trường hợp tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca tại thủ đô Jakarta. Bộ Y tế Indonesia đã đình chỉ tạm thời lô vaccine Covid-19 AstraZeneca CTMAV547 để Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này kiểm tra độc tính và độ vô trùng của lô vaccine.

Theo người phát ngôn về chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi việc đình chỉ lô vaccine này là một hình thức thận trọng của chính phủ để đảm bảo tính an toàn của vaccine. Bộ Y tế kêu gọi công chúng bình tĩnh và tiếp cận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy.

Theo Bộ Y tế Indonesia, việc sử dụng vaccine AstraZeneca ngoài lô trên được cho là an toàn và mang lại nhiều lợi ích hơn nên vẫn tiếp tục được sử dụng tại Indonesia.

Cùng với đó, ngày 17/5, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này đã ghi nhận 21 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ, trong đó có 10 ca nhập cảnh và được cách ly ngay.

Sau 25 ngày áp dụng lệnh phong tỏa, thủ đô Viêng Chăn tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 11 ca, tất cả đều lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt, thủ đô tiếp tục xuất hiện các ổ lây nhiễm mới với những ca bệnh mất dấu F0.

Tuy nhiên, việc hầu hết các tỉnh thành còn lại không ghi nhận các ca mới hoặc nếu có đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay cho thấy tình hình dịch tại Lào đang có xu hướng lắng dịu. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế Lào đã cảnh báo về tình trạng số ca mắc Covid-19 ở trẻ em và phụ nữ đang gia tăng và nhấn mạnh, hiện Bộ đang chuẩn bị nhân sự để sẵn sàng đối phó với làn sóng dịch thứ 3 tại nước này.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia tiếp tục ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới giảm với tổng số 360 trường hợp mới dương tính với virus SARS- CoV-2 và có 886 bệnh nhân phục hồi được xuất viện trong 24 giờ qua.

Trong những ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới phát hiện tại Campuchia vẫn duy trì ở mức thấp và số bệnh nhân phục hồi được xuất viện ngày càng nhiều cho thấy các biện pháp khống chế dịch của Chính phủ Campuchia đang phát huy hiệu quả. Đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 22.544 trường hợp bị Covid-19, trong đó có 13.006 người đã bình phục và 154 trường hợp tử vong.

Tính từ ngày 10/2 đến ngày 16/5, Campuchia đã tiến hành tiêm chủng phòng Covid-19 cho 2.082.282 người, trong đó có 1.185.234 người đã tiêm mũi hai, đạt 20,82% kế hoạch đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á trước nguy cơ siêu lây nhiễm Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO