Đông Nam Bộ hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030

Chính Tài 26/11/2022 11:49

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khóa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logictics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự Hội nghị.

Trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Tư duy mới – Đột phá mới – Giá trị mới” vừa được tổ chức ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào sáng 26/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã trình bày nhiều mục tiêu quan trọng được đề ra tại nghị quyết.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; là trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logictics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Thủ tướng Phạm Mịnh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đồng chủ trì Hội nghị.

Đông Nam Bộ cũng sẽ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên kết vùng và khu vực; trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục – đào tạo, y tế tại Đông Nam Bộ cũng sẽ phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước.

“TP HCM là thành phố văn minh, hiện đại, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2045, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logictics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới, kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ.

Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24

Theo đó, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Nghị quyết số 24-NQ/TW đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Thứ hai là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Thứ ba là phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị.

Ngoài ra, Đông Nam Bộ cũng cần chú trọng phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Ngay sau khi Bộ Chính trị tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 23/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết của Chính phủ đưa ra 19 chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 - 75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Nghị quyết 154/NQ-CP có 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, với 35 nhiệm vụ, đề án cụ thể. Nghị quyết hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Bên cạnh đó, có 29 danh mục dự án kết cấu hạ tầng gồm các dự án giao thông kết nối, các cao tốc, đường sắt, sân bay, trung tâm logistics.

Chương trình hành động của Chính phủ tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Bộ hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2030

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO