Đột phá thể chế triển khai trung tâm tài chính quốc tế

THANH GIANG 26/02/2022 16:00

Ngày 25/2, UBND TPHCM tổ chức hội thảo đề án phát triển TP HCM thành Trung tâm tài chính quốc tế (TTTC). Tại đây, các chuyên gia nêu nhiều giải pháp để thành phố có thể trở thành TTTC quốc tế giai đoạn 2026 – 2030. Đặc biệt, các chuyên gia khẳng định, cần phải có sự đột phá về thể chế mới có thể phát triển được TTTC.

Trung tâm TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh đã là TTTC thứ cấp toàn cầu

Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang – Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước (HFIC), từ tháng 3/2020, TPHCM đã được đánh giá là TTTC thứ cấp trên bảng xếp hạng Chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI). Đến tháng 9/2021, thành phố đứng đầu danh sách 10 trung tâm tiềm năng được xem xét để đưa vào danh sách đánh giá chính thức của GFC. Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Xuân Thành – Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhận định, TPHCM có đủ điều kiện hơn so với các địa phương khác để phát triển TTTC quốc tế về mức độ tập trung của thị trường, tiềm năng phát triển cũng như định chế tài chính. GFCI đánh giá TPHCM là một TTTC toàn cầu. Nhưng xếp hạng không nói là TTTC quốc gia hay quốc tế mà là TTTC toàn cầu thứ cấp. Tính thứ cấp này nằm ở năng lực cạnh tranh. Cũng theo vị này, năng lực cạnh tranh của TPHCM ngang bằng các thành phố lớn của khu vực như: Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines), đặc biệt không thua Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).

Các chuyên gia cho rằng, nếu xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam phải trả lời được: Tại sao lại chọn Việt Nam để đầu tư, tại sao lại đưa dòng tiền vào Việt Nam? Khi xây dựng và phát triển TTTC rồi thì phải thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiếng vang, có thể là những “con đại bàng” đầu đàn để thu hút được các định chế tài chính hàng đầu. “Quốc tế đánh giá TPHCM có tiềm năng trở thành TTTC toàn cầu chính thức. Tuy nhiên, về năng lực cạnh tranh, Việt Nam còn tồn tại một số điểm yếu. Điển hình, các dịch vụ mới nổi tăng trưởng nhanh trong thời gian qua nhưng có thể tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới hay không? Các dịch vụ này có trở thành những tổ chức tài chính số không” ông Nguyễn Xuân Thành chỉ rõ. Ngoài ra, chuyên gia này cho rằng, TTTC không phải tòa nhà, cao ốc, hay một khu phức hợp cụ thể. Đó là một hệ sinh thái. Và hệ sinh thái này đã rất phát triển tại Quận 1, TPHCM. TS Nguyễn Đức Kiên – Tổng trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay: “Trong quá trình vận hành và phát triển, TPHCM cơ bản đã trở thành trung tâm tài chính rồi. Tôi ủng hộ việc triển khai TTTC quốc tế nhưng đặt ở địa phương nào thì cần phải có sự xem xét dựa trên năng lực cạnh tranh”.

Sửa đổi thể chế

Nói về tính cần thiết triển khai TTTC quốc tế tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho biết, các nhà đầu tư đã chờ đợi từ năm 2016 nhưng Việt Nam chưa thể phát triển. Giờ chậm nữa thì có thể mất cơ hội trở thành nước phát triển vào năm 2045, hoặc sẽ tụt hậu và khó cạnh tranh với quốc tế. Vì vậy cần sự đột phá, quyết liệt của Trung ương, Bộ ngành để triển khai sớm. Trong đó, cần có khung pháp lý cho tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình tập đoàn tài chính. Cơ chế này hấp dẫn và ưu đãi hơn cả miễn giảm tiền thuê đất hay giảm thuế. “Phải sửa lại luật lệ tài chính hiện nay. Đây là vấn đề thuộc thể chế. TTTC suy cho cùng có 2 vấn đề, thể chế tài chính và hàng hóa tài chính. Không sửa thể chế thì không ra được TTTC vì TTTC này là nơi mở đường cho tài sản tài chính và hàng hóa tài chính. Nhưng thể chế không cho tồn tại hàng hóa tài chính thì làm sao có thể tồn tại TTTC?”, ông Trương Văn Phước, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nói.

Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM nêu quan điểm, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho TPHCM. Vì hình thành và vận hành hiểu qua các TTTC tầm cỡ khu vực và quốc tế cần rất nhiều nỗ lực thực hiện, bao gồm định hướng mô hình phù hợp, xây dựng cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng, nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực. Đặc biệt, phải xác định các chính sách chiến lược mang tính đột phá để có thể cạnh tranh, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn tài chính lớn đầu tư vào TTTC Việt Nam. Lãnh đạo UBND thành phố khẳng định, sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia sẽ giúp thành phố có một Đề án đảm bảo khoa học và có tính khả thi cao làm cơ sở để xây dựng các văn bản pháp lý, tổ chức triển khai xây dựng một TTTC quốc tế của Việt Nam tại TPHCM. Thành phố sớm hoàn thiện việc xây dựng dự thảo Đề án phát triển TPHCM thành TTTC quốc tế, làm cơ sở để thành phố tiếp tục làm việc với các bộ ngành Trung ương trong tháng 3/2022 trước khi chính thức trìnnh các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá thể chế triển khai trung tâm tài chính quốc tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO