Dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ

Ngọc Quang 17/08/2022 15:54

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; trong đó nêu rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí nguồn vốn triển khai.

Khu vực đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tỉnh Bình Dương nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 3.
Ảnh: QUỐC ANH

Theo dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nguồn vốn 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải giao về cho các địa phương nhằm thực hiện dự án trong tháng 8/2022.

Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra nhiều cơ chế đặc thù để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án. Trong đó đồng ý cho phép TPHCM lập hội đồng cố vấn dự án gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án… Đồng thời, Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất cho phép triển khai cùng lúc các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các dự án thành phần (dự án đường Vành đai 3 TPHCM có 8 dự án thành phần), gồm: Thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch cục bộ các quy hoạch liên quan; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu…

Dự thảo Nghị quyết do Bộ KHĐT trình Chính phủ còn quy định một số cơ chế đặc thù về chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Trước đó, ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 57/2022 về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 TPHCM, với tổng chiều dài 76,34 km, đi qua 4 địa phương, bao gồm: Đoạn qua TPHCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Dự án đường Vành đai 3 TPHCM là dự án về hạ tầng lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay, có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 50% và vốn địa phương 50%.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM là quyết sách quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông, giúp TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thêm một bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Dự án đường Vành đai 3 sẽ mở ra không gian mới, động lực phát triển mới.

Tuy nhiên, việc triển khai Dự án không hề đơn giản khi có tới 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp; tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - giảng viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cần tổ chức dự án tốt, không sai sót, rủi ro. Đây là dự án quan trọng quốc gia với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, lại đòi hỏi triển khai thực hiện trong một thời gian rất ngắn. Vì vậy phải có phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tương ứng nhằm bảo đảm tiến độ dự án cũng như chất lượng công trình.

Theo kế hoạch, tháng 10/2022 sẽ bắt đầu bàn giao mặt bằng, đến cuối năm 2023 nhận bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng. Dự kiến thời gian thi công dự án là 36 tháng, đặt mục tiêu thông xe toàn tuyến, hoàn thành cơ bản phần cao tốc vào tháng 10/2025. Hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.

Để đẩy nhanh tiến độ thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là quan trọng hàng đầu. Theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, TPHCM cũng đã thành lập Ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp thành phố cho dự án đường Vành đai 3; trong đó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban.

Ý kiến giới chuyên gia cho rằng, để thực hiện Dự án đường Vành đai 3, không chỉ TPHCM mà các địa phương liên quan cần có cơ chế đặc thù, được linh hoạt giải quyết những vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong khâu giải phóng mặt bằng và tạo vốn từ quỹ đất trong khu vực tuyến đường đi qua, để thu về cho ngân sách cũng như tái đầu tư thúc đẩy tiến độ dự án.

Liên quan tới cơ chế đặc thù, theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thì đối với vùng Đông Nam bộ, tuy có nhiều lợi thế nhưng lại gặp vướng mắc lớn là thiếu giải pháp về mặt thể chế.

"Chúng ta có ban chỉ đạo và hội đồng phát triển vùng nhưng không có ngân sách riêng, không có bộ máy chuyên trách. Trong khi muốn các địa phương gắn kết, cần sử dụng công cụ tài chính, ngân sách thay cho mệnh lệnh hành chính" - ông An nói.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Võ Trung Trực cho biết với đường Vành đai 3 có khoảng 2.000 ha đất liền kề, chủ yếu là đất nông nghiệp, rất ít dân cư. Dự kiến cần hơn 100.000 tỷ đồng để thu hồi đất, bồi thường và tái định cư với 2.000 ha này, trong khi đó TPHCM không thể bố trí kinh phí thực hiện. Vì thế, đề xuất thí điểm triển khai thu hồi đất, bồi thường tái định cư theo hướng bố trí đất ở bằng diện tích đất ở tương tự, đất nông nghiệp sẽ tính toán quy đổi giữa giá bồi thường dự kiến với tỷ lệ hoán đổi từ đất nông nghiệp qua đất ở. “Làm theo phương án này, từ quỹ đất thu hồi, thành phố làm lại quy hoạch, đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và tổ chức bán đấu giá để thu về nguồn lực lớn, tái đầu tư phát triển”- ông Trực nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO