Dự án Khu dân cư dành cho đồng bào Khmer: An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Quốc Trung 25/06/2015 09:13

Năm 2010, TP. Cần Thơ triển khai xây dựng khu dân cư 137 nền dành cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo trên địa bàn thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ theo Quyết định 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Thế nhưng, niềm vui an cư chưa được bao lâu đã phát sinh nhiều vấn đề mới.

Dự án Khu dân cư dành cho đồng bào Khmer: An cư nhưng chưa lạc nghiệp

Nhiều ngôi nhà có dấu hiệu bị xuống cấp

Niềm vui an cư

Dọn vào ngôi nhà mới tại khu dân cư 137 được vài năm nhưng ông Dương Sang vẫn không quên những ngày tháng sống ở nơi cũ. Từ đời cha đến đời ông phải ở trong căn nhà lá, cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng phải làm thuê làm mướn, có lúc phải đi lên tận Đồng Nai, Bình Dương làm cửu vạn, thu nhập vừa thấp lại không ổn định. Ông Dương Sang cho biết: “Niềm vui đến với gia đình thật bất ngờ. Năm 2014, hai vợ chồng đang lên Đồng Nai đi làm mướn thì cán bộ địa phương ở quê nhà thông báo gia đình được xét tặng đất và nhà Đại đoàn kết. Mừng quá, hai vợ chồng trở về quê ngay để lo nhận nhà. Người ta nói an cư mới lạc nghiệp quả không sai. Có căn nhà kiên cố ra vào thấy đỡ lo nhiều lắm”.

Theo Ban Dân tộc TP. Cần Thơ, Dự án 137 nền với tổng diện tích 2,37 ha, tại huyện Cờ Đỏ được chính quyền địa phương quyết tâm thực hiện để nhanh chóng giải quyết chỗ ở cho bà con đồng bào Khmer nghèo. Năm 2013 sau thời gian ngắn tiến hành san lấp mặt bằng và bàn giao 137 nền, huyện Cờ Đỏ đã xét giải quyết cho 87 hộ dân tộc Khmer nghèo tương đương với số nền cho các hộ này. Tuy nhiên, do hoàn cảnh của các hộ rất khó khăn nên không có khả năng cất nhà. Một số hộ đã mua cây lá tự cất, nhìn lụp xụp không khác gì những nơi ở cũ. Vì vậy, lãnh đạo huyện Cờ Đỏ đã vận động các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương chung tay ủng hộ cất nhà cho bà con.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Cờ Đỏ nhớ lại: “Sau khi tiến hành vận động trong huyện nhưng vẫn chưa đủ, huyện đã xin thành phố hỗ trợ thêm. Mỗi căn nhà trị giá 40 triệu đồng, trong đó địa phương hỗ trợ 35 triệu đồng, còn mỗi hộ dân tự đối ứng 5 triệu đồng. Chúng tôi cũng tính kỹ lắm, phải kêu gọi bà con đối ứng để tăng phần trách nhiệm. Sau khi tính toán thấy số tiền đối ứng 5 triệu đồng phù hợp khả năng của bà con, nên bà con đồng tình. Vì vậy, tiến độ xây dựng của khu này thật nhanh chóng. Trước Tết Nguyên đán 2015, đã có 36 căn nhà được bàn giao cho bà con có nơi ở mới vui xuân đón tết. Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ vận động cất thêm 51 căn nhà để giải quyết chỗ ở cho bà con đồng bào Khmer”.

Nhưng chưa lạc nghiệp

Thế nhưng, niềm vui an cư chưa được bao lâu bắt đầu nảy sinh một số bất cập khiến cho người dân sinh sống ở khu tái định cư cảm thấy lo lắng. Qua tìm hiểu nhiều nhà dân ở khu tái định cư này, rất nhiều căn nhà có dấu hiệu xuống cấp, các bức tường có hiện tượng nứt. Trời mưa thì dột tứ tung. Chia sẻ với chúng tôi, ông Danh Lợi cho biết: Dọn vào đây ở được khoảng hơn 1 tuần, nhưng chúng tôi đã thấy tường có nhiều vết nứt rạn. Nghĩ là vết nứt nhỏ nên không trám lại. Thế nhưng, vết nứt ngày càng lớn, chúng tôi thấy rất lo lắng. Trưa ngày 21-6, mưa kèm theo gió lớn đã khiến cho 13 căn nhà của người dân ở khu tái định cư này bị tốc mái và gây thương tích cho một số người dân. Đặc biệt trường hợp của bà Liêu Thị Suốt ở khu dân cư vừa đi chợ về gặp đợt gió xoáy tốc mái tol đâm trúng lưng. Hiện, bà Suốt đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cờ Đỏ cho biết: “Huyện đã hỗ trợ người dân có nhà bị hư hỏng tốc mái do mưa gió lớn, đồng thời thăm hỏi người dân bị thương, động viên họ an tâm sinh sống tại khu này”.

Thêm vào đó, điều mà chính quyền địa phương và nhiều bà con dọn vào sinh sống ở khu tái định cư mới này quan tâm nhất chính là công ăn việc làm và thu nhập. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương và người dân, trong số 36 hộ dân được bố trí nhà ở đợt 1 đến nay đã có hơn 50% số hộ lên TP. HCM, Bình Dương tìm việc làm. Bà Danh Thị Lan chia sẻ: “Trước đây ở nơi ở cũ, quen biết nhiều nên vào vụ lúa là người ta còn kêu đi làm làm lúa mướn. Nhưng từ khi dọn về nơi mới không thấy ai kêu, cứ đà này chắc phải đi nơi khác tìm việc nếu không thì đói mất.

Việc động viên bà con nhất là bà con đồng bào dân tộc Khmer di dời khỏi nơi ở cũ gắn liền với phong tục tập quán lâu đời đã là một khó khăn, nhưng việc giữ chân những người dân này bám trụ và tồn tại được với nơi ở mới lại là vấn đề vô cùng khó. Trước những bất cập đó, huyện Cờ Đỏ đang tính bài toán dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer bằng việc, năm 2015 này Trung tâm dạy nghề sẽ phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức đào tạo các nghề có khả năng giải quyết việc làm, phù hợp với khả năng của bà con như đan lục bình, sửa xe, may gia công…để tạo thu nhập cho bà con.

Việc tạo chỗ ở giúp bà con an cư là bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống, nhưng làm sao để bà con tiếp tục phát triển vươn lên thoát nghèo bền vững mới là vấn đề mấu chốt. Mong rằng, trong thời gian tới huyện Cờ Đỏ sớm khắc phục những bất cập trên, đặc biệt là tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định, giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Khu dân cư dành cho đồng bào Khmer: An cư nhưng chưa lạc nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO