Dự án khu xử lý rác thải 700 tỷ đồng chậm tiến độ

Đức Sơn 08/02/2020 08:00

Với mục tiêu là xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế của địa bàn huyện Đông Anh và các địa phương lân cận, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang xây dựng Khu xử lý rác thải với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ và mắc nhiều sai sót khiến dư luận địa phương bất bình.

Dự án khu xử lý rác thải 700 tỷ đồng chậm tiến độ

Dự án nhà máy xử lý rác thải 700 tỷ đồng của Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh để xảy ra nhiều vi phạm và chậm tiến độ.

Hàng loạt vi phạm

Dự án Khu xử lý rác thải huyện Đông Anh được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2011, sau đó được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2015 và 2016. Theo thiết kế, quy mô dự án công suất xử lý chất thải 500 tấn/ngày, trên tổng diện tích đất sử dụng là 87,453 m2. Dự án có tổng mức đầu tư 768,438 tỷ đồng, trong đó vốn góp tự có của Nhà đầu tư là 158,985 tỷ đồng (chiếm 20,69%), vốn vay thương mại là 690,453 tỷ đồng (chiếm 79,31%). Thời hạn thuê đất là 49 năm, kể từ ngày 11/11/2011.

Theo phê duyệt, thời gian xây dựng cơ bản thực hiện từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2017. Thời hạn đưa công trình vào hoạt động là tháng 4/2017.

Sau khi được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang đã tiến hành triển khai thi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, cho đến đầu năm 2020, tổng giá trị các hạng mục, công trình và dây chuyền công nghệ mới thực hiện và lắp đặt ước tính đạt 601,638 tỷ đồng, đạt khoảng 79 % tổng mức đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Nhà đầu tư còn hạn chế, lúng túng về lựa chọn công nghệ, cân đối nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. Nhà đầu tư còn để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành trong thực hiện Dự án.

Đến thời điểm thanh tra, còn một số hạng mục của Dự án chưa thực hiện là: Nhà sản xuất gạch block, nhà điều hành khối sản xuất, nhà trưng bày và bán sản phẩm, nhà làm việc trụ sở Công ty, kho gạch block và kho nguyên liệu, nhà điều hành hệ thống kho vật liệu. Mặc dù Dự án bị chậm hơn 2 năm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giãn tiến độ thực hiện, giãn tiến độ đầu tư, nhưng nhà đầu tư không đề xuất bằng văn bản với cơ quan đăng ký đầu tư, không thực hiện báo cáo về hoạt động đầu tư, báo cáo giám sát, đánh giá Dự án đầu tư theo quy định.

Đáng chú ý, tại phần diện tích đất thuộc các hạng mục kho gạch block và kho nguyên liệu, nhà đầu tư đã xây dựng khu nhà xưởng cấp 4 (khung mái tôn) không theo giấy phép xây dựng và quy hoạch tổng mặt bằng được cấp. Nhà đầu tư giải trình đó là khu nhà xưởng xây dựng tạm và đang được sử dụng để tập kết nguyên vật liệu, phân loại rác thải. Tuy nhiên, theo UBND huyện Đông Anh cho biết, trong các năm 2016 đến năm 2019, địa phương đã 3 lần xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư về hành vi vi phạm này với số tiền nộp phạt là 40 triệu đồng/lần và yêu cầu tháo dỡ phần công trình trái phép, tuy nhiên đến nay công trình vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ, dù nhà đầu tư đã chấp nhận nộp phạt.

Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra, nhà đầu tư cung cấp báo cáo tài chính năm 2017 và 2018, trong đó vốn chủ sở hữu lần lượt là 122,757 tỷ đồng và 113,978 tỷ đồng, không đạt mức yêu cầu so với cam kết của nhà đầu tư khi lập Dự án (không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của Dự án được phê duyệt). Đồng thời, lợi nhuận sau thuế của nhà đầu tư lần lượt âm 87,243 tỷ đồng và 107,521 tỷ đồng.

Nhà đầu tư kém năng lực tài chính?

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, nhà đầu tư báo cáo đã có cố gắng tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng và các quy định về bảo vệ môi trường, tuy nhiên vực đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là xử lý rác thải là lĩnh vực còn mới. Trong khi đó, các văn bản của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý rác thải chưa đầy đủ, rõ ràng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nhà đầu tư chưa lường hết được các khó khăn dẫn đến dự án bị chậm tiến độ so với dự kiến.

Cụ thể, nhà đầu tư có khó khăn về tài chính, việc huy động vốn tín dụng chậm so với kế hoạch và tỷ lệ vốn tín dụng huy động được không đạt so với tỷ lệ vốn khi lập dự án. Theo đó, sau khi có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Ngân hàng BIDV chỉ cam kết tài trợ cho Dự án 65% tổng mức đầu tư. Đồng thời, Dự án nâng công suất lên 500 tấn/ngày có giá trị chủ yếu ở phần thiết bị, sau khi ký hợp đồng tín dụng, nhà đầu tư mới có thể ký hợp đồng cung cấp thiết bị. Trong khi đó, các thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ chủ yếu được nhập khẩu từ Canada nên mất nhiều thời gian. Trong quá trình thi công, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong công tác giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ bị lệ thuộc vào nhiều nhà thầu cũng như việc chạy thử, hiệu chỉnh hoặc phải thay thế thiết bị nhiều lần dẫn đến chậm tiến độ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đánh giá, ngoài ra các nguyên nhân nêu trên, còn có nguyên nhân các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương chưa phối hợp tốt trong kiểm tra, giám sát dự án đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện dự án…”, ông Vũ Duy Tuấn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án khu xử lý rác thải 700 tỷ đồng chậm tiến độ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO