Dự báo mua sắm Tết: Kênh thương mại điện tử chiếm ưu thế

Quốc Định 04/11/2021 07:24

Vào dịp này hàng năm, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, năm nay tình hình khác hơn rất nhiều, dự báo tình hình tiêu thụ dịp Tết Nhâm Dần 2022 sẽ khó khăn nên các nhà sản xuất cũng dè chừng trong việc đầu tư.

Ông Hà Văn Minh, chủ một cơ sở sản xuất thực phẩm ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết, tùy vào những chuyển biến trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng sau đợt dịch Covid-19 lần 4, công ty sẽ đưa ra kế hoạch sản xuất cho những tháng cuối năm. Mối lo của ông Minh là giá nguyên liệu đầu vào tăng khoảng 15 - 20% trong khi để giữ mối tiêu thụ thì cơ sở thực phẩm vẫn cố gắng không tăng giá đầu ra. Nhưng điều đó cũng là cho kế hoạch sản xuất hàng Tết của cơ sở chịu không ít tác động.

Còn theo bà Trần Hồng Thắm, lãnh đạo Công ty TNHH chế biến nông sản Thành Nghĩa (huyện Bình Chánh, TP HCM), dù vẫn đang nhắm đến thị trường Tết 2022 sắp đến nhưng công ty dự kiến công suất sản xuất sẽ thấp hơn mùa Tết năm 2021 khi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp (DN) còn nặng mối lo về đầu ra.

Bà Thắm chia sẻ, công ty đang hướng đến phân phối đa kênh để chủ động đầu ra cho sản phẩm vào dịp cao điểm cuối năm và cận Tết sắp tới. Tuy nhiên, trước những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, để thích ứng tốt cũng không phải là điều dễ dàng.

Còn theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh một công ty nghiên cứu thị trường, trước đây khi chưa có dịch Covid-19, chỉ cần nhìn vào data (dữ liệu) và qua các năm khác nhau thì có thể dự đoán xu hướng thị trường Tết năm tới. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, hành vi mua sắm, suy nghĩ của người tiêu dùng, thói quen sinh hoạt, giải trí, thói quen kết nối với mọi người đã thay đổi rất nhiều.

Theo bà Nga, điều này đòi hỏi các DN đang hướng đến thị trường mùa Tết cần lưu tâm đến 4 vấn đề là chơi Tết, mua sắm Tết, ăn Tết và quà Tết đang có những thay đổi ra sao.

Qua một khảo sát gần đây đối với người tiêu dùng ở TP HCM và Hà Nội, bà Nga cho biết, những hoạt động vui chơi Tết sẽ số hóa nhiều hơn. Việc mua hàng online trở thành kênh mua sắm chính của người tiêu dùng. Với những người mua mới trải nghiệm mua sắm online đã thấy được sự thuận tiện, dễ mua. Vì thế việc mua sắm Tết sẽ thay đổi” - bà Nga nói.

Khảo sát người tiêu dùng ở TP HCM, 40% người được hỏi nói rằng họ sẽ lên kế hoạch đặt hàng quà Tết và giao đến tận nhà người nhận. Điều này sẽ đưa đến cơ hội rất khác cho những DN. Ngoài ra, có những người được hỏi cũng cho biết họ không có ý định mua quà Tết mà thay bằng việc chuyển tiền, chuyển khoản cho người thân. Xu hướng như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các DN chuẩn bị “đẩy” hàng trong mùa Tết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự báo mua sắm Tết: Kênh thương mại điện tử chiếm ưu thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO