Du lịch - Sẵn sàng cho ngày mở cửa

Minh Quân - Tấn Thành 14/03/2022 06:30

Sau một thời gian dài “cửa đóng, cài then”, du lịch Việt Nam sẽ chính thức mở cửa trở lại vào ngày 15/3. Mặc dù đây là “cơ hội vàng” giúp các doanh nghiệp du lịch sớm phục hồi nhưng trước mắt vẫn còn không ít khó khăn…

Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp du lịch phục hồi sau ngày 15/3/2022. Ảnh: Tấn Thành

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, thời gian tới ngoài việc tổ chức đón khách du lịch quốc tế, Hà Nội sẽ chú trọng tới khách du lịch nội địa bởi tiềm năng rất lớn với hơn 100 triệu dân. Hiện Hà Nội cũng đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 99%, các ca mắc Covid-19 ở thể nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng tâm lý khách du lịch nên cũng phải có những biện pháp ổn định tâm lý cho du khách.

Cũng theo ông Minh, để chuẩn bị cho việc mở cửa sắp tới, cuối tháng 3, Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022” với chuỗi sự kiện hưởng ứng năm du lịch quốc gia. Các chương trình cụ thể như Lễ hội quà tặng, Lễ hội áo dài, các sản phẩm hỗ trợ du lịch...

Công ty Indochina Unique Tourist cũng thông tin đã mở bán tour cho khách Thái Lan sau khi Việt Nam nối đường bay quốc tế đến quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp du lịch dự báo từ nay đến giữa năm 2022 du khách Việt kiều từ các nước Singapore, Hàn Quốc, Mỹ về Việt Nam thăm thân, đi du lịch sẽ tăng cao, đây là cơ hội cho doanh nghiệp du lịch khai thác thị trường quốc tế trong mùa Hè sắp tới. Trước đó, nhiều du lịch tại Hà Nội như Pattours Travel, Fivestar Travel, Caravan Việt Nam… đã triển khai tour caravan (tự lái xe) khởi hành từ Hà Nội đi Hà Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Hòa Bình.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã huy động cộng đồng, doanh nghiệp và các đơn vị du lịch để tổ chức các sự kiện, hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia.

“Năm 2022, tỉnh Quảng Nam vinh dự được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia. Đây là cơ hội để ngành du lịch phục hồi và phát triển, tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng đến khách du lịch trong nước và quốc tế, giới thiệu quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch, nhằm thu hút khách du lịch đến Việt Nam và Quảng Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”- ông Hồng nói.

Du khách quốc tế đến Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Trần Thường

Được biết, Quảng Nam đặt ra kế hoạch phấn đấu năm 2022 đón 4,2 triệu lượt khách tham quan và lưu trú du lịch, trong đó khoảng 1,7 triệu lượt khách quốc tế và 2,5 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 6.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau thời gian dài phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 khi khôi phục cùng sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh, cho đến nay số lượng cơ sở lưu trú chỉ mở khoảng 50-70%, còn lại vẫn trong tình trạng đóng cửa. Công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú nhìn chung vẫn còn thấp.

Tuy nhiên, với việc mở cửa trở lại, ngành du lịch đang có sự “ra quân” rất “rầm rộ”. Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy cho biết, Việt Nam chấp nhận hình thức test PCR hoặc test nhanh trước khi nhập cảnh. Sau khi nhập cảnh thì khách di chuyển về khách sạn hoặc nơi lưu trú và tiếp tục test nhanh, không được rời khỏi nơi cư trú trong vòng 24 giờ. Sau đó có kết quả âm tính thì đi du lịch bình thường. “Nếu như vậy, Vietravel nói riêng và các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội đón các đoàn khách quốc tế từ cuối tháng 4/2022” - ông Duy bày tỏ.

Còn theo Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Lê Quý Phương, các công việc chuẩn bị triển khai mở cửa như đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, việc liên quan xúc tiến sản phẩm… đã được tiến hành nhằm đảm bảo khi mở cửa lại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều sẵn sàng đưa ra các sản phẩm đảm bảo. Về phía ngành du lịch đã có soạn thảo phương án mở lại dịch vụ du lịch làm sao đảm bảo việc an toàn phòng chống dịch nhưng tạo thuận lợi hết mức cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch và du khách.

Ông Phương cũng cho biết thêm, ngành Du lịch mong muốn trong điều kiện hiện nay, Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để có thể áp dụng sớm mở cửa trở lại. Bộ ngoại giao cũng đang đề xuất các phương án về thị thực nhập cảnh. “Theo tinh thần hiện nay, chúng ta đang dần tháo gỡ rào cản về thị thực tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch” - ông Phương nói.

Chủ tịch Lux Group Phạm Hà:

Thương hiệu cho du lịch Việt Nam

Du lịch Việt Nam đang có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, ẩm thực… để thu hút khách nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không “ăn mày” di sản mà còn làm mới, sáng tạo dựa trên di sản… thậm chí tạo nên một nền kinh tế văn hóa khác biệt với các quốc gia. Do đó, có thể lấy mỏ vàng tài nguyên di sản để định vị thương hiệu du lịch Việt Nam, từ đó xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn 5 năm, 10 năm tới để triển khai thương hiệu. Tổng cục Du lịch có thể xem xét làm mới lại bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia để mang lại thông điệp mới mẻ hơn đến khách quốc tế để góp phần định vị thương hiệu du lịch Việt một cách bền vững hơn. Cùng đó Việt Nam cũng cần có chiến dịch để thu hút phân khúc khách du lịch cao cấp hơn để nâng tầm Việt Nam trở thành điểm đến chất lượng và cao cấp hơn.

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng:

Nới lỏng nhưng không buông lỏng

Chúng ta không lạm dụng đánh giá F1 và xét nghiệm. Trong du lịch cũng thế, quy định về F1 về thời gian tiếp xúc phải đúng, không thể một nhà bị cách ly cả phố. Nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ. Mở cửa du lịch phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch. cần sự phối hợp giữa quản lý tour, địa phương, quản lý địa điểm du lịch, y tế, chính quyền địa phương. Bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn phải đánh giá rủi ro. Mong rằng trên cơ sở khoa học và thực tiễn này để thống nhất cách làm thông thoáng.

Hoàng Minh(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch - Sẵn sàng cho ngày mở cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO