Du lịch mở cửa trở lại: Chạy đà hay bứt tốc?

Minh Quân - Phạm Sỹ 05/03/2022 07:25

Theo kế hoạch vào ngày 15/3 tới đây các hoạt động du lịch sẽ chính thức mở cửa trở lại. Sau một thời gian dài “đóng băng” bởi Covid-19, với ngành du lịch đây vừa là cơ hội vừa là thách thức.

Khách du lịch đến tham quan tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Địa phương, doanh nghiệp đã sẵn sàng

Sau khi Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa du lịch từ ngày 15/3, mới đây hàng loạt địa phương đã đặt ra chỉ tiêu đón và phục vụ khách trong thời gian tới. Cụ thể, Hà Nội đặt kế hoạch trong năm 2022 phấn đấu đón từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, Hà Nội cũng đã đăng tải thông tin về các đơn vị kinh doanh dịch vụ đủ điều kiện hoạt động trên website của Sở Du lịch, để du khách dễ dàng lựa chọn những đơn vị kinh doanh du lịch chất lượng, tránh những rủi ro không đáng có. Còn du lịch TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng 2 kịch bản sẵn sàng đón khách du lịch. Với tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, dự kiến TPHCM sẽ đón 25 triệu khách nội địa và 3,5 triệu khách quốc tế.

Lào Cai cũng dự kiến đón 4 triệu lượt khách; Quảng Ninh đón 10 triệu lượt khách trong đó có 1,5 triệu khách quốc tế; Kiên Giang đón 5,2 triệu lượt khách; Đà Nẵng đón 3,5 triệu lượt khách; Quảng Bình đón 2 triệu lượt khách; Khánh Hòa đón 1,2 triệu lượt khách…

Cùng với các chỉ tiêu đặt ra, các địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch cũng đang xây dựng nhiều sản phẩm, chương trình phong phú, độc đáo và chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất với các điều kiện tốt nhất để đón khách du lịch.

Trao với PV Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian qua nhiều đơn vị du lịch đã xây dựng sản phẩm mới, kích cầu khách nội địa, nhất là khuyến khích “người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Điển hình là Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sản phẩm đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; Công ty Du lịch VietFoot Travel tổ chức các tour du lịch đạp xe khám phá phố cổ và một số vùng ngoại thành của Thủ đô; Công ty Vietravel đang xây dựng các gói sản phẩm khám phá Hà Nội từ 1 đến 3 ngày; Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Ba Vì) đang xây dựng sản phẩm mới “Mùa hoa sim” để thu hút khách du lịch vào mùa hè…

Thông tin từ Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), ngoài việc tiếp tục triển khai rộng rãi và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, các đánh giá điểm đến, các địa phương cũng đang hết sức tích cực triển khai các gói kích cầu.

Đặc biệt, Hiệp Hội Du lịch Việt Nam cũng vừa có thông báo, sau thời gian phải trì hoãn, từ ngày 31/3 đến 3/4, tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Hà Nội sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM ) với chủ đề “Bình thường mới - Cơ hội mới”. Tại Hội chợ, ngoài các hoạt động kích cầu và giới thiệu sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước, VITM là cơ hội lý tưởng cho cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp du lịch quảng bá điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình đến các doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế.

Khách tham quan Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh

Cần chính sách rõ ràng, lộ trình bài bản

Có thể nói sau một thời gian “án binh bất động” du lịch Việt Nam đang có cuộc “ra quân” rầm rộ nhất trong bối cảnh thích ứng tình hình mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội để phục hồi ngành “công nghiệp không khói” cũng đặt ra vô vàn những thách thức. Bởi thực tế đây mới chỉ là những bước “chạy đà” trong lộ trình phục hồi ngành du lịch.

Nhiều du khách vẫn còn tâm lý khá e dè đi du lịch tại thời điểm này khi số ca mắc Covid-19 ở một số thành phố lớn vẫn tăng cao. Cùng với đó, nguồn nhân lực ngành du lịch cũng đang là một trở ngại không nhỏ khi ngay trong dịp Tết vừa qua nhiều địa điểm du lịch dù đã mở cửa nguồn cung không đủ đáp ứng. Hầu hết người dân hiện nay đang hướng đến việc các tour du lịch vào dịp hè, cuối năm.

Nhìn nhận về thực trạng này, ông Phùng Quang Thắng- Giám đốc Hanoitourist cho biết, việc phục hồi ngành du lịch đang đòi hỏi cần có những sản phẩm thích ứng và phù hợp. Ngoài những yếu tố quan trọng như đáp ứng nhu cầu thị trường, những trải nghiệm du lịch, tính đa dạng và sáng tạo, tính giáo dục; sản phẩm du lịch còn cần đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, định hướng phát triển chiến lược sản phẩm du lịch mang tính đại trà hay chuyên biệt cần cân nhắc kỹ lưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển du lịch nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên du lịch.

Còn theo Chủ tịch Hội lữ hành Quảng Bình, Giám đốc Công ty TNHH NETIN Trần Xuân Cương, trải qua gần 2 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người lao động trong ngành dịch vụ lữ hành hầu như đã chuyển đổi việc làm. Tâm lý du khách còn e ngại khi di chuyển và thăm quan du lịch. Các tỉnh chưa thống nhất trong việc tổ chức các hoạt động du lịch khi mở cửa trở lại. Mỗi địa phương có một cách phòng dịch khác nhau nên rất khó khi tổ chức các tour du lịch liên tỉnh. Ông Cương cũng cho rằng, để du lịch sớm ổn định trở lại, cần thiết có những chính sách rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước, tập trung đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, từng bước và có những lộ trình bài bản. Đồng thời tạo cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm du lịch mới phù hợp với tình hình hiện nay, hỗ trợ kích cầu và quảng bá cho các sản phẩm du lịch mới mà các doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn hiện nay.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Cần chủ động, linh hoạt

Để phục hồi nhanh và phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về đảm bảo an toàn dịch bệnh; thống nhất các quy định và quy trình kiểm soát, đảm bảo an toàn giữa các địa phương trong cả nước. Đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch tiến hành triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch thời gian tới. Tạo động lực cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn cũng như cơ hội để phục hồi và phát triển trong tương lai thông qua hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách và các gói/chương trình hỗ trợ như hỗ trợ vay vốn, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế trong giai đoạn đầu quá trình phục hồi…

PGS.TS Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương: An toàn mới bền vững

Khi chúng ta đã được bao phủ vaccine chính là cơ sở, điều kiện đảm bảo để mở cửa du lịch. Với chủ trương của nhà nước, yêu cầu của cơ quan kinh doanh thì phải đảm bảo những biện pháp thích hợp để phòng, chống dịch. Tuy nhiên hiện nay đang vấp phải một số trở ngại đó chính là tình hình dịch trong mấy tháng gần đây ở các địa phương đang ở mức độ hết sức nghiêm trọng. Từ đó đòi hỏi cần có những biện pháp, những quy chế phù hợp với từng đoàn du lịch. Đối với những địa phương có khu du lịch, chính quyền cần phải vào cuộc để khách du lịch nhận thấy được sự yên tâm. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn nhân lực từ hướng dẫn viên đến đội ngũ phục vụ. Điều này đòi hỏi có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động. Giữa nội bộ các cơ sở kinh doanh du lịch cần có sự san sẻ nguồn lực hỗ trợ lẫn nhau.

H.Minh - P.Sỹ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch mở cửa trở lại: Chạy đà hay bứt tốc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO