Du lịch Thanh Hóa trên hành trình trở thành một trụ cột kinh tế

Đình Minh 04/12/2022 14:00

Mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế vào năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa đang dần trở thành hiện thực khi trong năm 9 tháng năm 2022, địa phương này đã đón tới hơn 10 triệu lượt khách, thu gần 20.000 tỷ đồng, xếp thứ 3 toàn quốc.

Kết quả ấn tượng

Theo thống kê của Bộ VHTTDL về bảng xếp hạng thu hút khách du lịch 9 tháng đầu năm, Thanh Hóa đứng ở vị trí thứ 3 với hơn 10,38 triệu lượt xếp sau Hà Nội và TP HCM...

Để có được kết quả ấn tượng trên, bắt đầu từ thời điểm du lịch mở cửa trở lại, ngày 15/3, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng “điểm đến xanh”, “tuyến du lịch xanh” tạo hành lang an toàn đón khách, đồng thời tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, cố gắng đạt mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch trong năm 2022.

Kết quả đã chỉ ra, chỉ trong 9 tháng, toàn tỉnh Thanh Hóa đã đón hơn 10,3 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế gần 110 nghìn lượt), tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu ước đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong chưa đầy 1 năm, TP biển Sầm Sơn đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.
Trong chưa đầy 1 năm, TP biển Sầm Sơn đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt trên 13 nghìn tỷ đồng.

Riêng TP Sầm Sơn đã đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu đạt trên 13 nghìn tỷ đồng. Với quyết tâm trở thành “thành phố của lễ hội”, hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đã được tổ chức hoành tráng, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách tại thành phố này.

Không chỉ riêng Sầm Sơn, mùa hè năm 2022 đã chứng kiến sự “hồi sinh” mạnh mẽ của ngành du lịch xứ Thanh khi các điểm đến đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Hải Tiến (Hoằng Hóa); Hải Hòa, Bãi Đông (TX Nghi Sơn); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); Lam Kinh (Thọ Xuân); Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Pù Luông (Bá Thước)... Cùng với đó là hàng loạt các điểm du lịch, sản phẩm du lịch mới như du lịch nông trại, camping đầy hấp dẫn.

Đáng chú ý nhất là trong năm nay, một “trung tâm” du lịch sinh thái cộng đồng đã nổi lên, thu hút rất nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, đó là KDL Pù Luông (Bá Thước).

Khu du lịch Pù Luông đạt 100% công suất phòng và tất cả các ngày nghỉ lễ và dịp cuối tuần.
Khu du lịch Pù Luông đạt 100% công suất phòng và tất cả các ngày nghỉ lễ và dịp cuối tuần.

Vào tất cả các kỳ nghỉ lễ và dịp cuối tuần trong thời gian qua, đây là khu du lịch duy nhất của tỉnh luôn đạt 100% công suất phòng lưu trú. Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, huyện Bá Thước đã đón được 60.452 lượt khách, thu trên 50 tỷ đồng.

Đến nay, Thanh Hóa hiện có 80 dự án đầu tư kinh doanh du lịch đang triển khai, với tổng vốn đăng ký gần 145.500 tỷ đồng, tiêu biểu như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC; Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh; Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En...

Cùng với đó, một số công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn cũng đang triển khai và đã đi vào khai thác, hoạt động như: tuyến đường bộ ven biển; cao tốc Bắc - Nam; cảng nước sâu Nghi Sơn; Cảng Hàng không Thọ Xuân quy hoạch đầu tư trở thành cảng hàng không quốc tế.

Với chiến lược đầu tư đồng bộ và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ.

Quảng trường biển Sầm Sơn, một biểu tượng mới của thành phố biển đang dần thành hình.
Quảng trường biển Sầm Sơn, một biểu tượng mới của thành phố biển đang dần thành hình.

Mục tiêu trở thành trụ cột kinh tế

Đạt doanh thu gần 20.000 tỷ đồng từ ngành “công nghiệp không khói”, tuy nhiên, con số này được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế của du lịch Thanh Hóa đến nay vẫn chưa được khắc phục. Trong đó nổi lên một số vấn đề như: năng lực du lịch chuyên nghiệp chưa cao, sản phẩm dịch vụ du lịch chưa độc đáo và thiếu sức hấp dẫn du khách như khu vui chơi, mua sắm, giải trí. Cơ sở hạn tầng cũng chưa đồng bộ, du lịch vẫn mang tính chất mùa vụ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành du lịch…

Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, ngành du lịch Thanh Hóa những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Do đó, du lịch cần thay đổi cả về tư duy, cách làm và nhất là cần cú hích mạnh mẽ trên mọi phương diện.

Về cơ chế chính sách, Thanh Hóa cần nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để có các chính sách ưu tiên, đặc thù, cũng như có chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược, giàu tiềm lực. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các quy hoạch du lịch, quy hoạch liên quan đến du lịch và tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch du lịch. Hoàn thiện, nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

Đồng thời, chú trọng thị trường nội địa và liên kết để khai thác các thị trường nguồn như Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, thị trường khách nội tỉnh. Chú trọng phát triển các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu gồm cả du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng - sinh thái...

Trước thời cơ mới, Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đón được 16 triệu lượt khách, tổng thu ước đạt 45.500 tỷ đồng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025, thuộc nhóm các địa phương có ngành du lịch phát triển của cả nước.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai, thực hiện 5 nhóm giải pháp quan trọng gồm: phát triển sản phẩm du lịch Thanh Hóa theo hướng đa dạng loại hình, nâng cao giá trị; tiếp tục phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nhằm phục hồi ngành du lịch. Ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết: Với những chủ trương, chính sách đúng đắn, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, đến nay, tỉnh được biết đến là điểm sáng về thu hút đầu tư phát triển du lịch trong cả nước.

“Nhằm tạo bước đột phá cho phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh chủ trương ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch giai đoạn 2023-2027 sẽ là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Hóa cất cánh, trở thành một trụ cột kinh tế của tỉnh trong tương lai gần", ông Hồng thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch Thanh Hóa trên hành trình trở thành một trụ cột kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO