Dự thảo Luật An ninh mạng: Tranh luận quy định đặt máy chủ tại Việt Nam

H.Vũ 11/01/2018 07:00

Chiều 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật An ninh mạng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần thiết ban hành Luật để bảo vệ an toàn an ninh mạng quốc gia. Để phù hợp với Hiến pháp, cần tiếp tục rà soát lại, nhất là quyền tiếp cận thông tin của người dân, và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Dự thảo Luật An ninh mạng: Tranh luận quy định đặt máy chủ tại Việt Nam

Ảnh minh họa.

Không đặt máy chủ ở Việt Nam thì khó kiểm soát

Về quản lý về an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam, theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, nhiều ý kiến nhất trí với quy định của Dự thảo Luật, theo đó yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Còn một số ý kiến không nhất trí với quy định yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam và đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

“Do đây là nội dung nhạy cảm, có liên quan đến quốc phòng an ninh, kinh tế - xã hội và ý kiến của một số ĐBQH đề nghị không quy định trong luật này. Vì thế, thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo”-ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, hiện có 2 vấn đề tranh cãi. Các doanh nghiệp nước ngoài không muốn đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam vì tâm lý sợ thuế và rườm rà về thủ tục.

Trong khi đó, cơ quan an ninh cho rằng nếu không đặt máy chủ ở Việt Nam thì khó quản lý, lo ngại về vấn đề an ninh.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, đặt máy chủ ở Việt Nam bản chất là quản lý người sử dụng tại Việt Nam. “Máy chủ hay không không quan trọng mà quan trọng là phải biết thông tin người sử dụng” -Bộ trưởng Lâm cho hay.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng, đặt máy chủ hay không là vấn đề tranh cãi giữa nhiều nước, nhất là với những nước nắm công nghệ.

Cần có quy định làm thế nào để nhà mạng lưu trữ thông tin theo quy định, đến khi có vi phạm cơ quan điều tra có thể trích xuất để xử lý. Nếu không lưu thì khó xử lý.

Thực tế Nghị định 72 đã yêu cầu phải đặt máy chủ, nhưng do chưa có tiền lệ trên thế giới nên có tranh cãi giữa các nước.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài họ không muốn đặt máy chủ ở Việt Nam vì phát sinh chi phí.

Thêm vào đó nếu tự đặt thì không sao chứ bắt đặt là trái với cam kết quốc tế. Quan trọng là làm sao có thể kiểm soát an ninh, đặt máy chủ ở nước ngoài nhưng khi có yêu cầu của ta thì họ phải thực hiện theo yêu cầu.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần nghiên cứu tiếp thu, lấy thêm ý kiến rộng rãi để Dự thảo mang tính khả thi cao, tránh bất lợi liên quan đến những điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Hộ gia đình kinh doanh cũng bị kiểm toán là quá rộng

Trong buổi sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, cần quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để khắc phục khó khăn, vướng mắc và bổ sung chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán.

Theo ông Phớc, khi xây dựng luật cũng chưa tính hết được mọi vấn đề nên thực tế triển khai đã vấp phải nhiều khoảng trống pháp luật.

“Kiểm toán vào làm việc với các doanh nghiệp không được vì không có quy định. Hay khi các cơ quan không thực hiện theo kết luận kiểm toán thì cũng không có chế tài nào để xử lý. Đây là chính là những khoảng trống của pháp luật” - ông Phớc nói, đồng thời đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết trong đó quy định thêm vấn đề có quyền xử lý vi phạm hành chính, và mở rộng phạm vi, đối tượng kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, việc Kiểm toán nhà nước đề xuất ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không bao quát hết các nội dung cần sửa đổi, quy định chi tiết.

Nội dung đề nghị bổ sung về xử lý vi phạm hành chính và phạm vi kiểm toán là mới so với luật hiện hành. Do đó, đề xuất của Kiểm toán nhà nước không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giữa kiểm tra, kiểm toán, thanh tra có sự chưa phối kết hợp và phân công rõ ràng. Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đang còn trùng lắp nên khó khăn cho đối tượng được kiểm tra, thanh tra.

Có khi 1 năm doanh nghiệp phải đón tiếp cả kiểm tra, thanh tra lẫn kiểm toán. Cho nên giờ mở rộng chỗ nào nộp ngân sách đều phải kiểm toán, nghĩa là cứ đóng thuế từ hộ gia đình kinh doanh nộp thuế cũng phải bị kiểm toán thì quá rộng. Vì vậy cần sơ kết sau 2 năm triển khai, xem thấy vướng mắc gì thì kiến nghị để sửa luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, 2 nội dung chính kiểm toán muốn mở rộng là mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán, và xử phạt hành chính không phải thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà phải là Quốc hội. Bởi cái gì hạn chế quyền của công dân phải điều chỉnh bằng luật chứ không phải nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cho nên kiểm toán cần phải thực hiện tốt luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình thanh tra, kiểm toán.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Kiểm toán nhà nước cần tổng kết đánh giá thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước 2015, cần cụ thể hóa quyền của kiểm toán được giao trong luật để làm cho tốt.

Cái nào vướng mắc thì trình Quốc hội sửa luật vào năm 2019, còn thời điểm này Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết theo đề nghị của Kiểm toán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Luật An ninh mạng: Tranh luận quy định đặt máy chủ tại Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO