Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chưa thực sự chuyên nghiệp

Minh Long 01/04/2017 09:00

Những năm gần đây công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn đạt con số ấn tượng với hơn 100 nghìn lao động mỗi năm. Đây được xem là giải pháp giảm nghèo hiệu quả đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam cải thiện năng suất lao động. Tuy nhiên XKLĐ vẫn chưa thực sự được vươn xa, với tới những thị trường cho thu nhập cao. Bên cạnh chất lượng nguồn nhân lực thì sự rườm rà về thủ tục, thiếu minh bạch cũng là nguyên nhân không nhỏ cản trở sự phát triển đối với hoạt động này.

XKLĐ vốn được xem là kênh thoát nghèo bền vững.

Nỗi khổ mang tên...giấy phép con

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH trong 3 năm 2014 -2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này xấp xỉ 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan (Trung Quốc) trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và Ả rập Xê út có trên 4.000 lao động.

Tính đến hết tháng 12/2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 15 doanh nghiệp nhà nước, 207 công ty cổ phần và 55 công ty TNHH). Với sự đầu tư bài bản, nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 20 DN đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

Tuy nhiên bên cạnh đó công tác XKLĐ cũng gặp không ít những vướng mắc, bất cập. Nguồn lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp.

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục... Bên cạnh đó về mặt quản lý vẫn tồn tại khá phổ biến tình trạng giấy phép “con” cản trở doanh nghiệp khai thác và phát triển công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Tại hội nghị Nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Thanh Hoá cho biết, nhiều DN đang gặp khó khăn về nguồn tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài bởi tình trạng “giấy phép con”.

Hợp đồng của công ty mặc dù đã được Bộ LĐTB&XH cho phép tuyển dụng, song DN muốn được tiếp xúc với người dân để tuyển lao động đều phải xin công văn giới thiệu của tỉnh, huyện, xã, đây như một dạng “giấy phép con”. Kể cả khi xin được giấy giới thiệu của tỉnh, tỉnh đã đồng ý để DN tiếp xúc người lao động nhưng xuống huyện, xã lại mắc, không cho phép DN gặp người dân.

"Hiện nay cơ hội cho DN tiếp cận người dân để tư vấn và tuyên truyền họ đi xuất khẩu lao động nhằm thoát nghèo đang gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc từ cấp dưới. Việc tiếp xúc với lao động là rất khó, tỉnh cho phép nhưng đến huyện bị mắc. Đây là vấn đề rất nhức nhối, có thể nói “Trên rải thảm, dưới rải đinh”- ông bức xúc nói.

Nguyên nhân được ông Minh đưa ra việc các huyện gây khó cho các DN một phần là do tư duy của huyện cứng nhắc, chưa nghĩ đến lợi ích của người dân và giúp dân thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số huyện thì dùng "chiêu trò" nhằm hạn chế các DN mới, mục đích chỉ cho các doanh nghiệp sân sau của địa phương hoạt động .

Sẽ kiên quyết loại bỏ những thủ tục rườm rà

Trước phản ánh của DN về việc bị chính quyền huyện, xã gây khó trong “giấy phép con” xuất khẩu lao động, ông Đào Ngọc Dung- Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ kiên quyết loại bỏ các thủ tục rườm rà để tạo điều kiện thuận lợi cho DN xuất khẩu lao động. Theo ông Dung, sẽ có 2 phương án giải quyết. Thứ nhất nếu thủ tục rườm rà xuất phát từ phía các đối tác nước ngoài, Bộ sẽ đàm phán tháo gỡ tạo điều kiện để lao động được nhanh chóng tiếp cận với thị trường. Thứ hai, nếu khó khăn xuất phát từ các ngành, chính quyền địa phương các tỉnh, huyện, xã Bộ sẽ tích hợp quy định còn nằm rải rác ở nhiều văn bản vào thành thông tư, nhằm giúp DN và người lao động dễ theo dõi.

“Trong thời gian tới, Bộ cũng sẽ xử lý nghiêm các DN dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các DN hoạt động kém hiệu quả. Trong năm 2017, các cuộc thanh tra chuyên đề sẽ tập trung vào việc tổ chức bộ máy hoạt động của DN, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và công tác thu phí”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo ông Dung, hiện Bộ đang nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét hai đề án về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đề án về đưa lao động có trình độ cao đi xuất khẩu lao động.

Để hoạt động XKLĐ thực sự là kênh giúp người dân giảm nghèo bền vững ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, Bộ LĐTB&XH cần phải sớm củng cố những vấn đề cơ bản sau: Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật, tập trung vào một thông tư hướng dẫn đầy đủ các điều kiện để người lao động và DN chủ động làm theo. Thứ hai, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng với tinh thần tạo cơ hội cho DN phát triển chứ không phải tạo áp lực cho DN. Thứ ba, Bộ nên sớm tổng kết 10 năm thực hiện luật xem gì còn vướng mắc, gây khó khăn cho DN để tháo gỡ. Thứ tư, khi tham gia XKLĐ, phía DN và người lao động có đóng quỹ, ngoài hỗ trợ cho người lao động khi mất việc, cơ quan quản lý nhà nước nên dùng một phần quỹ đi khai thác thị trường giúp DN.

Được biết, Luật Người lao động VN làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng: Quy định cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm, hết thời hạn đó mà DN không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép, cho phép tạo nguồn lao động để chuẩn bị cung ứng cho hợp đồng do những quy định về tuyển chọn lao động như hiện nay có thể khiến DN bỏ lỡ hợp đồng do không có nguồn lao động sẵn có để đối tác tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Chưa thực sự chuyên nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO