Đưa Trà Vinh thành trung tâm kinh tế biển của Tây Nam bộ

Thành Luân 14/01/2020 16:13

Ngày 14/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo Khoa học “Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển tỉnh Trà Vinh, tạo động lực phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, với sự tham dự của đại diện các thành viên Ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và đại diện nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Đưa Trà Vinh thành trung tâm kinh tế biển của Tây Nam bộ

Cảng biển Định An, với quy mô lớn nhất ĐBSCL đã được khởi công tại vị trí đắc địa ven biển Trà Vinh.

Với vị trí địa kinh tế chiến lược, trong đó có bờ biển trải dài 65 km, phía Bắc giáp sông Tiền, phía Nam giáp sông Hậu, phía Đông giáp Biển Đông, với luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tỉnh Trà Vinh được quy hoạch phát triển để trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học, ông Lê Văn Hẳn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay Trung ương đã quy hoạch và đầu tư nhiều công trình trọng điểm quốc gia ven biển Trà Vinh, như Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Khu kinh tế Định An (là một trong hai khu kinh tế biển hàng đầu ĐBSCL); cảng biển Định An tiếp nhận tàu 50.000 tấn (quy mô lớn nhất ĐBSCL). Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh cũng chủ động thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào xây dựng hạ tầng cảng biển, điện gió, điện mặt trời, chế biến thủy hải sản, du lịch biển,…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn khẳng định, là địa phương cửa ngõ của ĐBSCL ra biển Đông, Trà Vinh có định hướng lâu dài để trở thành cửa ngõ kết nối với nhiều tỉnh, thành thuộc ĐBSCL (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, TP HCM,…) và Vương quốc Campuchia qua sông Hậu.

Cũng theo ông Hẳn, thành tựu lớn nhất trong nhiều năm qua là Trà Vinh thường xuyên giữ vững tốc độ tăng trưởng hàng năm đứng đầu ĐBSCL, với bình quân 12,06%/năm, riêng năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt 14,85%. Từ đó, quy mô nền kinh tế của Trà Vinh vươn lên đạt 59.636 tỷ đồng, xếp thứ ba (sau Long An, Cần Thơ) về thu nhập bình quân đầu người (59,09 triệu đồng/người/năm). Đáng chú ý, tổng giá trị sản xuất các ngành nghề ven biển đóng góp tới 59,75% tổng giá trị sản xuất của cả tỉnh hàng năm.

Với những tiềm năng và thuận lợi hết sức to lớn về kinh tế biển, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ KH-ĐT) cho rằng, tỉnh Trà Vinh nên đưa chiến lược kinh tế biển và việc xây dựng các cảng biển vào văn kiện của Đại hội Đảng bộ giai đoạn 2021-2025, trên tinh thần của Luật Quy hoạch (2017) và kế đó là có chính sách dài hơi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mẽ về kinh tế biển.

Theo chuyên gia từ Bộ KH-ĐT, hạ tầng cho kinh tế biển của Trà Vinh cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương xây dựng cầu Đại Ngãi (nối Sóc Trăng - Trà Vinh), với tổng mức đầu tư chỉ trong giai đoạn 1 là hơn 8.040 tỷ đồng, sẽ mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa hàng đầu của khu vực ĐBSCL.

Tại Hội thảo Khoa học, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội) cũng chỉ ra lợi thế rất lớn để Trà Vinh bứt phá thành một trung tâm kinh tế biển và logistics quan trọng trong vùng duyên hải phía Đông của ĐBSCL, trong khi tuyến cảng biển lớn nhất vùng có khả năng kết nối thẳng đến thị trường tiêu thụ lớn nhất nước là TP HCM. Vị trí địa kinh tế này, theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, sẽ rất thích hợp cho phát triển kinh tế hàng hải (cảng biển, logistics, vận tải biển); kinh tế thủy sản, du lịch và dịch vụ biển, công nghiệp ven biển và năng lượng tái tạo.

Mặc dù có nhiều tiềm năng và cơ hội khách quan để trở thành trung tâm kinh tế biển của toàn vùng, thế nhưng nhiều chuyên gia, nhà phân tích kinh tế tại Hội thảo khoa học cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập mà địa phương cần lưu ý trong quá trình quy hoạch, phát triển. Đó là dù tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng quy mô nền kinh tế của Trà Vinh nhìn chung còn thấp (xếp thứ 10 trong vùng ĐBSCL); chưa phát triển kết nối hiệu quả (kinh tế, giao thông) với vùng ĐBSCL và TP HCM; chưa tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng; chất lượng và quy mô nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế.

Các báo cáo nghiên cứu tại hội thảo khoa học cũng chỉ ra thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh tế biển của tỉnh Trà Vinh, vốn chiếm đến 59,75% tổng giá trị sản xuất của cả địa phương này hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa Trà Vinh thành trung tâm kinh tế biển của Tây Nam bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO