Đừng để chính sách chỉ phục vụ người giàu

H.Vũ (thực hiện) 17/08/2020 08:10

Nhận xét về việc xây dựng biểu giá điện, một Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội nói: Bây giờ chính sách cứ bị sức ép của người giàu. Cho nên “đẻ” ra chính sách điện một giá là chính sách phục vụ người giàu.

Ông Trần Văn Lâm.

Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án lựa chọn về biểu giá điện. Trong 2 phương án này, có phương án cho phép người dùng điện được lựa chọn một giá điện thay vì dùng bậc thang lũy tiến. Có ý kiến cho rằng phương án này được cho là “đánh vào người nghèo” khi người dùng ít điện sẽ chịu thiệt.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo ĐĐK.

PV: Thưa ông khi giá điện được tính theo bậc thang, người tiêu dùng và dư luận tỏ ra không đồng tình với cách tính giá điện này. Tuy nhiên, mới đây tại Dự thảo cơ cấu biểu giá điện bán lẻ được Bộ Công Thương xin ý kiến thì vấn đề điện một giá cũng nhận được ý kiến không đồng tình. Cá nhân ông có quan điểm ra sao về những cách tính giá điện này?

Ông Trần Văn Lâm: Có 2 vấn đề cần phân biệt. Đó là tính một giá, hay tính bậc thang. Rồi đối với bậc thang thì 5 bậc hay 6 bậc. Cách tính xây dựng bậc như thế nào cho hợp lý.

Chúng ta phải xác định rằng trong xã hội hiện nay, nhu cầu dùng điện sẽ ngày càng tăng. Thế nhưng để hướng tới mục tiêu thúc đẩy sử dụng tiết kiệm năng lượng thì nên dùng chính sách giá điện bậc thang. Hiện ngành điện đưa ra 2 lựa chọn, nếu thích chọn bậc thang thì chọn, thích một giá thì chọn. Song nếu như vậy sẽ triệt tiêu ý thức tiết kiệm điện. Vì nếu dùng nhiều, vượt mức trung bình thì lại nhảy sang một giá. Như vậy làm sao họ có ý thức sử dụng tiết kiệm điện nữa.

Thời gian trước đây dư luận đang tỏ ra không hài lòng với ngành điện về giá bậc thang. Vậy sự bất hợp lý đó theo ông là do đâu?

- Trong thời gian qua, ngành điện duy trì cơ chế giá điện bậc thang 6 bậc. Với cơ chế đó bậc rất thấp, chỉ 50 số điện là 1 bậc, mỗi bậc chỉ thiết kế 50 số, trong khi xã hội phát triển, nhu cầu phát triển, đời sống đi lên, người dân phải có nhu cầu dùng điện tăng lên. Cho nên, thiết kế bậc thang phải thay đổi để phù hợp với thực tế mới, mức sống mới của xã hội. Vì vậy điều chỉnh lên thành 5 bậc là hợp lý, vì sẽ nới rộng khung bậc lên từ 50 lên 100 số mỗi bậc.

Như vậy sẽ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thời gian qua người dân bức xúc chính ở việc bậc quá thấp, vì quá thấp nên nhanh nhảy sang bậc cao, và tự nhiên phải dùng điện bậc cao nên người dân bức xúc. Vì thế, cần thiết kế lại để đảm bảo mức bình quân của xã hội, làm sao cho người tiêu dùng có đời sống thấp, và trung bình phải được sử dụng mức bậc thang thấp, chứ không phải người có mức sống thấp lại phải sử dụng bậc thang cao.

Và nếu lựa chọn phương án vẫn giữ nguyên giá bậc thang thì theo ông cần tính xây dựng bậc như thế nào?

- Theo tôi trong giá điện, chúng ta nên lựa chọn giá bậc thang nhưng việc thiết kế giá bậc thang thế nào cho khoa học, 5 bậc hay 6 bậc thì phải tính. Vừa qua chúng ta đưa ra phương án điện 5 giá với mỗi bậc nhảy 100 là phù hợp và hợp lý với thực trạng phát triển tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Song tôi chưa hài lòng với cách tính giá điện hiện nay của ngành điện.

Đó là ngành điện tính khung bậc thang 100 nhưng lại tính theo quy mô hộ gia đình. Nghĩa là hộ gia đình 10 người cũng giống như hộ gia đình 1 người. Vậy hộ gia đình 1 người lợi hơn 10 người. Đó là sự bất bình đẳng và nảy sinh trong xã hội tình trạng “đi tách sổ hộ khẩu” để thành nhiều hộ, sau đó chia sẻ để hạn mức dùng điện tính bậc thang ở bậc thấp. Xã hội đã nảy sinh vấn đề này do chính cách tính giá điện bậc thang, cho nên theo tôi ngành điện cần khắc phục vấn đề này.

Trước đây có hộ khẩu và xác định trên quy mô hộ khẩu, nhưng tới đây chúng ta sẽ bỏ hộ khẩu, do đó trong quản lý giá điện bậc thang trong thời gian tới cần phải tính điện bậc thang trên đầu mỗi người. Bởi mỗi người có 1 mã số định danh cá nhân, chứng minh thư nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân. Cho nên trong cách tính giá điện có thể dựa vào quản lý cơ sở dữ liệu cá nhân. Theo đó, mỗi người được dùng 50 số đầu tiên ở bậc 1, 50 số tiếp theo là bậc 2, cứ tính như thế trên đầu người. Tính hệ số bậc thang trên từng đầu người mới đảm bảo mức bình đẳng xã hội giữa các gia đình.

Với đa số người nghèo và người có mức sống trung bình như hiện nay, nhất là đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vậy theo ông cách tính giá điện cần thế nào để hướng đến sự công bằng, thay vì chỉ có lợi cho một nhóm số ít người?

- Bây giờ gia đình hộ nghèo, đông người có 10 người phải sống chung trong 1 hộ gia đình nhưng chỉ được 100 số điện đầu là ở bậc 1. Còn 100 số sau lại lên bậc cao hơn. Trong khi nhà giàu, đại gia chỉ có 2 người sống trong 1 nhà, và cũng được hưởng 100 số bậc thang. Như vậy là bất bình đẳng so với hộ đông. Chúng ta cần cải tiến cái đó để hoàn thiện chính sách giá điện. Trong xây dựng chính sách giá vừa rồi, tôi có tham gia ý kiến góp ý cho Bộ Công Thương nhưng việc tiếp thu có vẻ chưa nhiều. Bây giờ chính sách cứ bị sức ép của người giàu. Cho nên “đẻ” ra chính sách điện một giá là chính sách phục vụ người giàu.

Giá điện bậc thang hướng tới phục vụ người nghèo nhưng nó chỉ phù hợp cho giai đoạn trước đây. Bây giờ mức sống đã lên rồi, do đó cũng phải tăng quy mô dùng điện lên. Anh không điều chỉnh kịp thời, cứ để thế cuối cùng người nghèo cũng phải dùng bậc thang trên mức trung bình. Vì để bậc thang quá thấp nên người nghèo cũng phải dùng điện của mức trên mức trung bình do đó họ mới bức xúc. Vì thế chúng ta cần phải điều chỉnh cho hợp lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để chính sách chỉ phục vụ người giàu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO