Dừng tuyển sinh: Chớ nên 'phanh' gấp

Dung Hòa 20/08/2022 14:00

Những ngày vừa qua, một số thí sinh trúng tuyển học bạ vào Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận được thông báo từ nhà trường cho biết, do nhiều yếu tố khách quan mà trường phải tạm dừng tuyển sinh ngành này vào năm 2022. Do đó, kết quả trúng tuyển sớm của thí sinh vào ngành này không còn nữa, thí sinh cần đổi nguyện vọng đã đăng ký sang nguyện vọng khác.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Quang Vinh.

Dừng ngành vì chưa đủ điều kiện

Lý do mà lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thông tin là do quá trình rà soát lại và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) kiểm tra nhận thấy ngành Luật của trường chưa đủ các điều kiện để đáp ứng tất cả các tiêu chí chất lượng để mở ngành. Hiện tại, thí sinh đang trong quá trình đăng ký nguyện vọng do vậy các em còn thời gian lựa chọn.

Trong khi, theo quy định, hạn chót thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GDĐT là 17h ngày 20/8, thì việc đột ngột dừng tuyển sinh ngành Luật của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM khiến nhiều thí sinh hoang mang…

Trước đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM công bố lấy 60 chỉ tiêu cho ngành Luật trong năm đầu tuyển sinh, chia đều cho 2 phương thức xét học bạ THPT và kết quả tốt nghiệp THPT với 4 tổ hợp A00, A01. D01, C00. Nhà trường thông báo điểm chuẩn học bạ ngành Luật dao động từ 26,5 đến 28,75, tùy theo đối tượng học sinh. Ví dụ, với học sinh trường chuyên, điểm chuẩn cần đạt ít nhất 26,5; thí sinh trường top 200 từ 26,75, trong khi các trường con lại là 28,75 điểm. Điểm chuẩn là điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) của từng môn theo tổ hợp xét tuyển 3 môn. Cũng trong đầu tháng 8/2022, nhà trường thông báo lấy điểm sàn cao nhất 26, thấp nhất 15 theo phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT năm 2022. Ngành Luật có điểm sàn 17.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, việc trường đột ngột dừng tuyển sinh một ngành học làm ảnh hưởng tới rất nhiều thí sinh và gây tâm lý hoang mang cho các em. Theo ông Nhĩ, dù được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc mở và tuyển sinh các ngành học mới nhưng việc dừng tuyển sinh giữa chừng như vậy cũng vi phạm quy chế. Ngay từ đầu khi chưa đủ điều kiện tuyển mà trường đã tự ý công bố điểm sàn và điểm trúng tuyển, Bộ GDĐT cần xử lý nghiêm, tránh các trường khác học theo.

Liên quan đến sự việc trên, đại diện Vụ giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho biết, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM đã đưa vào đề án tuyển sinh ngành Luật trong khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định là việc làm sai. Việc này đã được Bộ GDĐT chỉ ra trong quá trình kiểm tra tại trường vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2022 vừa qua. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ GDĐT, việc trường thông báo dừng tuyển sinh ngành Luật kịp thời cũng chính là để bảo đảm quyền lợi của người học, bởi nếu trường vẫn tuyển sinh và sinh viên theo học ngành không đủ điều kiện thì sinh viên sẽ là người chịu thiệt hại khi không được công nhận tốt nghiệp hoặc phải chuyển trường khác khi các cơ quan quản lý nhà nước xử lý sau này. Hiện thí sinh còn đủ cơ hội để đăng ký vào ngành đó của trường khác, hoặc ngành khác của trường. Nếu thí sinh đã nộp lệ phí xét tuyển thì nhà trường phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ.

Công khai ngành buộc phải dừng tuyển sinh

Ngay sau vụ việc của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH, các cơ sở giáo dục cao đẳng (CĐ) có đào tạo ngành giáo dục mầm non về triển khai công tác tuyển sinh. Theo đó, Bộ GDĐT yêu cầu các trường ĐH phải công khai ngành buộc phải dừng tuyển sinh, thực hiện điều chỉnh đề án, thông báo cho thí sinh biết để kịp thời điều chỉnh sang các ngành/trường khác.

Đồng thời, Bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ chỉ tổ chức tuyển sinh đối với các ngành đủ điều kiện quy định. Các trường tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: Chỉ tiêu, ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có), các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có)…

Trong trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung đề án thì phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường. Cụ thể như trường mở thêm ngành và điều chỉnh chỉ tiêu cho ngành mới mở; lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu đủ cho các ngành gần trong nhóm ngành; điều chỉnh để thống nhất thông tin khai báo trên hệ thống nghiệp vụ với báo cáo xác định chỉ tiêu và đề án tuyển sinh đã công khai trên trang thông tin điện tử của trường...

Trong văn bản nói trên, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh: Các cơ sở đào tạo tự chủ trong công tác tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu, xác định điểm trúng tuyển vào các ngành/nhóm ngành đào tạo. Nếu xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì cơ sở đào tạo và cá nhân liên quan hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý.

Không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước 16/9

Trong văn bản mới nhất, Bộ GDĐT chỉ đạo: Cơ sở đào tạo không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16/9/2022 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 30/9/2022. Cơ sở đào tạo phải thực hiện các cam kết đối với thí sinh; tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thí sinh trong những trường hợp rủi ro được công bố trong đề án tuyển sinh theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dừng tuyển sinh: Chớ nên 'phanh' gấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO