Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Vì sao vẫn chưa thể vận hành?

Duy Anh 24/10/2021 14:31

Trở lại cuộc sống “bình thường mới”, một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là vì sao tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến thời điểm này vẫn chưa thể “chốt” ngày vận hành thương mại?

Đã đủ điều kiện vận hành khai thác

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa thay mặt Chính phủ gửi báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, trong đó có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (đường sắt Cát Linh - Hà Đông).

Trong báo cáo dài 46 trang vừa gửi Quốc hội về tiến độ 6 tuyến đường sắt đô thị trên cả nước, Chính phủ đã dành 10 trang để báo cáo hiện trạng, lý giải nguyên nhân chậm trễ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo, ngày 24/3 vừa qua, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể toàn dự án theo tiêu chuẩn và thiết kế, bảo đảm đầy đủ công năng cũng như các chỉ tiêu yêu cầu. Hiện công trình đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác.

Trên cơ sở kết quả nghiệm thu các công trình thành phần, nghiệm thu tổng thể, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo hoàn thành gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đề nghị tiến hành kiểm tra và có ý kiến chấp thuận về công tác nghiệm thu dự án. Nhưng do dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp (bao gồm nhiều chuyên ngành), lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã thường xuyên tổ chức các buổi kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời đã tiến hành kiểm tra tổng thể hiện trường dự án vào ngày 23/7. Dự kiến Hội đồng nghiệm thu Nhà nước sẽ tổ chức họp để ra thông báo kết quả kiểm tra cuối cùng trong tháng 10/2021.

“Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiến hành bàn giao Dự án cho UBND Thành phố Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định”, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại tuyến đường Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa “chốt” ngày vận hành thương mại khiến dư luận bày tỏ sự băn khoăn.

Vẫn còn vướng ở khâu thanh toán

Đi vào từng nguyên nhân cụ thể, Chính phủ cho biết dự án vẫn còn vướng mắc ở khâu thanh toán và thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Các vướng mắc đã ảnh hưởng đến tiến độ nghiệm thu, bàn giao.

Về việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải gặp khó khăn khi Tổng thầu EPC là nhà thầu Trung Quốc được chỉ định trong hiệp định vay. Họ cho rằng mình không có nghĩa vụ thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phi bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục...

Về công tác nghiệm thu, thanh toán, bàn giao dự án, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo rà soát khối lượng hạng mục hoàn thành, tổ chức nghiệm thu, thanh toán, sớm bàn giao cho UBND Hà Nội khai thác sau khi có ý kiến của Hội đồng kiểm tra nghiệm thu Nhà nước.

Về công tác vận hành, khai thác dự án, tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp sang Việt Nam để thực hiện bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng. Báo cáo của Chính phủ cho biết tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự của tổng thầu.

Đối với việc bố trí vốn trả nợ, thanh toán cho dự án, báo cáo của Chính phủ cho biết dự án chậm bàn giao cho UBND Hà Nội nên phía Hà Nội chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.

Vừa qua, đến kỳ trả nợ, Bộ Tài chính phải ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký. Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND Hà Nội, làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để TP thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.

Để tháo gỡ những vướng mắc của dự án, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc. Đối với các tồn tại còn lại, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan tập trung giải quyết dứt điểm. “Với việc chậm tiến độ hoàn thành dự án để bàn giao cho UBND Hà Nội, các mục tiêu liên quan đến giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng của người dân chưa được giải quyết và gây ra những dư luận không tốt về dự án”, báo cáo của Chính phủ kết luận.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 8.769,965 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD thành 18.001,597 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD). Công trình được phê duyệt năm 2008 với thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 11/2013. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh tiến độ nhiều lần, đến nay vẫn chưa rõ thời gian về đích.

Đường sắt đô thị “đội vốn” khủng

Báo cáo của Chính phủ cũng điểm lại quá trình thực hiện 5 dự án đường sắt đô thị khác tại Hà Nội và TP HCM do Bộ GTVT và 2 thành phố làm chủ đầu tư. Theo đó, 5 tuyến đường sắt đô thị “đội vốn” gần 84.000 tỷ đồng là con số đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cụ thể: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng 9.231 tỷ đồng (khoảng 315 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng. Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Hà Nội) tăng hơn 16.000 tỷ đồng so với ban đầu. Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên (TP HCM) với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 26.400 tỷ đồng.Tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương (TP HCM) tăng 21.700 tỷ đồng so với tổng mức ban đầu.

Nhìn từ những con số trên cho thấy, từ nhiều năm qua, bài toán đội vốn, chậm tiến độ các dự án đường sắt đô thị vẫn chưa tìm ra lời giải. Giới chuyên gia giao thông cho rằng, trách nhiệm thuộc về các Ban quản lý dự án. Họ chính là người thay mặt chủ đầu tư thực hiện dự án ngay từ đầu nhưng lại viện lý do không đủ chuyên môn, kinh nghiệm dẫn đến dự án phải điều chỉnh thiết kế nhiều lần cũng như không dự báo tốt được những biến động của giá cả dẫn đến tăng mức đầu tư.

Một nguyên nhân khác dẫn đến các dự án đường sắt đô thị đội vốn là do việc chuẩn bị dự án chậm trễ, trung bình mất khoảng 3 năm, thậm chí nhiều dự án mất cả chục năm để chuẩn bị. Như vậy, sau 3 năm sẽ có nhiều biến động dẫn đến dự toán lập ban đầu không còn sát thực tế. Vì vậy, cần phải thay đổi phương thức triển khai dự án làm sao nhanh gọn nhất, tránh những biến động của thị trường.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện tại không nên đầu tư rầm rộ các tuyến metro. Bởi vốn đầu tư metro rất lớn, trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nợ công cao. Việt Nam cần đầu tư dần từng bước để làm chủ công nghệ, đúc kết các kinh nghiệm quản lý để xây dựng dự toán, thẩm định cho chính xác, đảm bảo không đội vốn.

Các chuyên gia giao thông nhìn nhận, đầu tư đường sắt đô thị phải có kế hoạch từng bước phù hợp với điều kiện kinh tế và kinh nghiệm xây dựng. Mặt khác, việc quản lý các dự án đường sắt đô thị cần xây dựng chi tiết cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể.

Vân Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Vì sao vẫn chưa thể vận hành?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO