Đường sắt phục hồi gần 80% trước dịch

Phúc Văn 21/02/2023 06:56

Ngày 20/2, thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) sẽ đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông đường sắt. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực chuyên chở hành khách và vận tải hàng hóa.

Hành khách trải nghiệm tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Nhiều dự án được khởi công ngay trong năm 2023

Cụ thể, năm 2023 sẽ khởi công 5 dự án hạ tầng đường sắt nhóm B, nguồn vốn đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, vốn ODA của Hàn Quốc.

Trong số đó, có 3 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh tại 3 đoạn: Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn, thời gian dự kiến thực hiện trong 3 năm, giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu các dự án là nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực chuyên chở hành khách và hàng hóa.

3 dự án này có thể coi là bước đầu tư tiếp theo của 4 dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 (gói 7.000 tỷ đồng), nhằm phát huy hiệu quả đầu tư hơn nữa trên toàn tuyến.

Cụ thể, Dự án Nha Trang - Sài Gòn có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.098 tỷ đồng, trên chiều dài khoảng 411km, vừa được khởi công ngày 26/1/2023. Hai dự án còn lại là Dự án Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng, trên tổng chiều dài dự án khoảng 319,202km; Dự án Vinh - Nha Trang có tổng mức đầu tư khoảng 1.189,9 tỷ đồng, trên tổng chiều dài khoảng 995,728km, dự kiến sẽ khởi công trong quý 1/2023.

2 dự án nhóm B khác là Dự án Cải tạo các ga đường sắt phía Bắc và Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống). Dự án ga có tổng mức đầu tư dự kiến 476 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách và 4 ga hàng hóa, dự kiến khởi công trong quý 1/2023.

Dự án cầu đường sắt Đuống có tổng vốn đầu tư dự kiến 1.848 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2021-2025. Dự án thực hiện nâng tĩnh không thông thuyền cầu, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc. Dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2023.

5 dự án nhóm B này có thể coi là các dự án động lực trong giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho kỳ trung hạn sau. Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng đang thực hiện đầu tư Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian chạy tàu và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải qua khu vực đèo trên chiều dài gần 7km. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.010,7 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA từ quỹ EDCF (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tiếp tục đổi mới

Thông tin từ Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (VNR), dịp cao điểm Tết vừa qua, ngành đường sắt phục vụ hơn 631.000 hành khách đi tàu, ghi nhận mức doanh thu vận tải khách đạt 391 tỷ đồng. Tuy phục hồi tốt nhưng doanh thu vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chỉ bằng 74,2% về sản lượng khách và bằng 78,7% doanh thu so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Tuy chưa phục hồi hoàn toàn so với trước dịch, nhưng kết quả kể trên cũng được coi là điểm sáng của ngành đường sắt trong vận tải hành khách. Đáng chú ý, lượng khách lựa chọn mua vé tàu online ngày càng nhiều, với doanh thu bán vé qua trang bán vé chính thức của đường sắt đạt 33%; qua các ứng dụng như Momo, Vnpay, Vietelpay... đạt 12%; bán tại các đại lý đạt 8% và tại cửa vé của nhà ga đạt 47%.

Tổng giám đốc VNR, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, để tiếp tục phát huy những gì đã đạt được ngành sẽ tiếp tục có ngay những giải pháp để đạt hiệu quả trong đợt vận tải hè 2023.Trước mắt, các đơn vị cần phát huy kinh nghiệm khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng để nhân rộng mô hình, xây dựng đoạn tuyến ngắn, kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, khẩn trương thực hiện công tác chuyển đổi số…

Trong khi đó, thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam (VNRA) cho biết, sau 2 năm thực hiện đề án về đảm bảo an toàn giao thông đã xóa bỏ được 511 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm trên các tuyến đường sắt, đạt 12,6%; rào thu hẹp lối đi tự mở tại 1.448/1.879 vị trí, đạt 77%. Hiện trên toàn mạng lưới đường sắt có 5.023 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có 1.510 đường ngang, chiếm tỷ lệ 30% và 3.513 lối đi tự mở, chiếm tỉ lệ 70%.

Tuy nhiên, VNRA cũng cho biết vẫn còn tới 11.543 vị trí vi phạm đất đường sắt, 5.812 vị trí xâm phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt. Trên cơ sở đó, VNRA đề nghị các tỉnh có đường sắt đi qua ưu tiên kinh phí đầu tư để thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của địa phương như xây dựng hàng rào, đường gom, công trình phụ trợ khác để xóa bỏ lối đi tự mở nguy hiểm, đồng thời giải tỏa các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.

Với lối đi tự mở, hiện do địa phương quản lý, theo lộ trình đến năm 2025 sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chính thức khai trương hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt tại ga Kép (thị trấn Kép, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Việc bổ sung ga Kép là ga liên vận quốc tế là giải pháp nhằm giải tỏa ách tắc hàng hóa tại biên giới và tại 2 ga liên vận quốc tế hiện đang khai thác là Yên Viên và Đồng Đăng, giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa. Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước mắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tổ chức tại ga Kép các hoạt động lập tàu và đón tàu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đến và đi từ các nước châu Âu, Trung Quốc, Nga, Khazakstan, Mông Cổ… Các hoạt động hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa được thực hiện trực tiếp tại ga Kép để phục vụ doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường sắt phục hồi gần 80% trước dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO