Đường xa nghĩ nỗi…

Nam Việt 29/10/2020 07:30

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo bổ sung từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Trong đó, tỉnh Quảng Bình được xuất cấp 2.500 tấn; tỉnh Quảng Trị 2.000 tấn; tỉnh Thừa Thiên-Huế 1.000 tấn và tỉnh Quảng Nam 1.000 tấn.

Người dân vùng lũ cần được bảo đảm sinh kế lâu dài. Trong ảnh: Hai cha con ở thôn Bình Tiến (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trong mùa lũ vừa qua. Ảnh: BTT.

Đây là lần ứng cứu cho nhân dân trong vùng bị thiên tai rất khẩn trương với số lượng lương thực rất lớn để không ai bị đói, bị rét, không ai bị bỏ lại phía sau.

Cả nước chung tay vì người nghèo, đó là tính ưu việt của xã hội ta. Trong nhiều năm qua, Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo là một trong những chương trình lớn, đầy tính nhân văn, nhân đạo. Cũng từ đó, tỉ lệ hộ nghèo trong phạm vi cả nước giảm mạnh. Liên hợp quốc từng ca ngợi chính sách giảm nghèo của Việt Nam bằng từ “ngưỡng mộ”.

Với một đất nước còn nghèo, tiềm lực kinh tế quốc gia không lớn nhưng vẫn dành ra một khoản ngân sách có thể nói là khổng lồ để lo cho người nghèo, vùng nghèo thì đó chính là một chính quyền tốt, một chính quyền vì dân.

Tuy nhiên, trong công cuộc xóa đói giảm nghèo đầy khó khăn và cũng đầy tham vọng ấy, vẫn có không ít việc phải bàn. Lâu nay, nhiều ý kiến nêu lên một cách hình ảnh rằng: Cho người nghèo con cá hay cho cần câu? Có thể hiểu là giúp cụ thể trước mắt hay là tạo sinh kế lâu dài cho người nghèo.

Thực ra thì cũng tùy từng lúc, từng hoàn cảnh cụ thể mà hỗ trợ, không nên cứng nhắc “con cá” hay là “cần câu”. Ví dụ như trong đợt lũ tàn phá Bắc Trung bộ mới đây, nếu trong lúc bà con đang ngập trong nước mà chỉ nghĩ đến việc cho cái “cần câu” thì thật là vô nghĩa.

Nhưng đó là chyện khác, ở đây xin được bàn về khái niệm chúng ta vẫn thường nói với nhau, đó là “giảm nghèo bền vững”. Có nghĩa là khi đã đủ tiêu chuẩn ra khỏi hộ nghèo thì người nghèo không tái nghèo.

Nhưng đó là điều hết sức khó khăn.

Hãy lấy ví dụ về các tỉnh vùng lũ miền Trung. Năm nào cũng vậy, Bắc Trung bộ đều phải chịu cảnh mưa lũ, tất nhiên là mức độ khác nhau. Trong lũ đã khổ, vì đói vì rét, vì hiểm nguy rình rập kể cả bị nước cuốn trôi, mất tích, mất mạng. Sau lũ cũng lại rất khổ, cái khổ kéo dài.

Đó là vì tài sản, hoa màu, gia súc gia cầm đã chìm trong dòng nước dữ; nhà nghiêng mái sụt; coi như trắng tay. Vốn liếng ki cóp có được từ những tháng ngày lao động vất vả bỗng chốc thành không. Nhìn về tương lai, nói như cụ Nguyễn Du thì thật là “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.

Người ở vùng thiên tai thường xuyên lặp đi lặp lại không lẽ phải cắn răng chịu đựng như một định mệnh? Hãy nghĩ đến điều đó để hỗ trợ, giúp họ thoát nghèo một cách chắc chắn hơn.

Như đã nói, trong bão lũ thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, để người dân có sức mà cầm cự; nhưng tính về lâu về dài thì “những vùng đất dữ giời đày” này không thể sống mãi, không thể thoát nghèo chỉ bằng tình thương, sự cứu trợ.

Phải hỗ trợ sinh kế để họ trụ vững lâu dài ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn đầy khó khăn của mình. Năm nào cũng bão lụt, con thuyền như chiếc lá tre nổi trôi đầy bất trắc. Lũ qua, giữ được mạng sống thì lại theo sau con trâu trên đồng ruộng đã trắng hoa màu.

Biết bao giờ mới hết khổ, vì lại kinh hãi đợi một mùa lũ mới không biết lúc nào sẽ lại ập đến. Chúng ta hay nói về một trật tự mới, ở đây, chẳng lẽ đó là một “trật tự nghèo”?

Để giúp người dân vùng lũ thoát nghèo bền vững thì trước hết phải giúp người dân thoát khỏi cơn hoạn nạn với tổn thất ít nhất. Mà muốn thế thì phải có những ngôi nhà chung để mọi người cùng tránh lũ, những ngôi nhà phao nước nổi thì nhà nổi và những con thuyền để vợ chồng con cái, của nả để lên đó không bị lũ cuốn trôi.

Sau nữa, sinh kế chính là điều phải tính một cách hết sức kĩ lưỡng, sâu sắc. Sinh kế lâu dài cho người dân trong vùng thiên tai trước tiên và quan trọng nhất phải là chỗ ở. An cư mới lạc nghiệp. Người dân ở ven sông ven suối, bên sườn núi chân đồi cần được cấp đất ở nơi an toàn.

Để không phải hớt hải chạy lũ mỗi khi nước suối tràn về; cũng như không phải kinh hoàng khi các hồ đập xả lũ. Sinh kế cũng là hỗ trợ gì, trong bao lâu để bà con nghèo mưu sinh được trên mảnh đất đầy khó khăn.

Thoát khỏi tai họa thiên nhiên, không bị thiên tai cướp đi thành quả lao động và có được sinh kế chắc chắn thì mới có thể tính được chuyện thoát nghèo bền vững….

Mùa lũ vừa qua đã đẩy biết bao hộ dân Bắc Trung bộ vào cảnh nghèo khó. Tới đây, trận cuồng phong từbão số 9 khi tấn công vào Nam Trung bộ cũng lại có thêm biết bao cảnh nghèo. Biết bao mảnh đời lam lũ.

Vì thế, lúc này, nói về chuyện thoát nghèo bền vững có lẽ cũng là muộn màng. Nhưng, muộn còn hơn không, vì nếu cứ lặp đi lặp lại cái cách từng làm thì cái nghèo của bà con vùng thiên tai, vùng lõi nghèo cũng sẽ lặp lại mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường xa nghĩ nỗi…

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO