Gắn nghề làm nón với phát triển du lịch

Nguyễn Quốc 17/11/2022 07:05

Nón lá Huế được xem là sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô và là một trong những vật phẩm làm quà tặng của nhiều du khách khi đến Huế.

Du khách trải nghiệm vẽ tranh trên nón lá Huế.

Sản phẩm văn hóa đặc sắc

Nói đến nón lá, nhiều người thường nghĩ đến Huế, với nhiều làng nghề làm nón nổi tiếng như Phủ Cam, Vân Thê, Kim Long...

ThS Dương Hồng Lam - Trưởng phòng Quản lý văn hóa gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, tuy cùng một sản phẩm, nhưng nón lá Huế lại có những nét đặc trưng riêng về màu sắc, kiểu dáng, kích thước, trọng lượng và độ bền. Chiếc nón lá ở Huế thường mỏng, nhẹ, mềm mại và cân đối... Chính những đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt của nón lá Huế so với những địa phương khác.

Ngoài ra, nón lá Huế được nhiều người biết đến một phần cũng nhờ nghề làm nón lá ở đây đã kế thừa, kết tinh từ nhiều loại nón lá, từ cung đình đến dân gian, từ miền Bắc đến miền Nam để tạo ra sản phẩm mang đặc trưng rất riêng của vùng đất này.

“Những giá trị văn hóa đã mang lại tính chất riêng biệt, bản sắc đã được kết tinh trong từng sản phẩm nón lá nâng cao giá trị, trở thành biểu tượng mang tính đại diện cho vùng đất có bề dày về văn hóa và truyền thống lịch sử” - ThS Lam nhận định.

Nhờ những yếu tố này, nón lá Huế không còn là sản phẩm hàng hóa đơn thuần, mà thực sự đã trở thành thương hiệu của một sản phẩm văn hóa đặc sắc. Đây cũng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Gắn với phát triển du lịch

Dù được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc, thế nhưng thực tế, nghề làm nón lá tại Huế lại đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, nhu cầu sử dụng và thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi theo thời gian, nón lá cũng dần được thay thế bằng các sản phẩm mũ nón thời trang và hợp với xu thế của thời đại.

Mặt khác, nghề làm nón đem lại thu nhập thấp và không ổn định, do vậy những người trẻ không còn mặn mà để theo nghề, hầu như chỉ còn những người đứng tuổi vì cố gắng giữ gìn nghề truyền thống của cha ông để lại mà tiếp tục theo đuổi.

Là một trong những người tâm huyết với nghề làm nón lá, bà Nguyễn Thị Kiềm (làng Vân Thê, xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ, Thừa Thiên - Huế) cho biết, nghề làm nón lá ở làng Vân Thê đã có từ rất lâu. Tuy nhiên, qua thời gian, nghề làm nón không còn phát triển như trước đây và đang dần bị thu hẹp lại.

Xuất phát từ ý muốn khôi phục và phát huy nghề truyền thống của cha ông, bà Kiềm đã vận động nhiều phụ nữ tại địa phương thành lập cơ sở nón lá Nguyễn Thị Kiềm. Qua đó, vừa tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân vừa góp phần bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, cơ sở nón lá của bà Kiềm còn là điểm đến của nhiều du khách mỗi lần đến Huế. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm, trực tiếp tham gia làm nón từ các công đoạn ủi lá, xếp lá, lên khuôn… dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề.

Theo ThS Dương Hồng Lam, để giữ gìn và phát triển nghề nón lá Huế, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, khẳng định thương hiệu nón lá Huế. Gắn phát triển nón lá Huế với áo dài Huế và khai thác các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống để hình thành chuỗi sản phẩm, hoạt động văn hóa thu hút khách du lịch. Quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống làm nón lá, khai thác không gian, cảnh quan văn hóa, hình thành các điểm tham quan, du lịch…

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những năm gần đây, khi du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá cũng trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc được du khách ưa chuộng, trở thành một hình ảnh thường xuyên gắn với các hoạt động của ngành du lịch tỉnh.

Nhiều du khách cho biết, đến với Huế họ không thể bỏ qua việc tới trải nghiệm tại các làng làm nón. Hiện nay, những làng nghề nón lá Vân Thê, Phú Cam và các cơ sở làm nón nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trở thành điểm đến tham quan, nằm trong các tour du lịch, tạo sức hút riêng đối với du khách, nhất là khách quốc tế trong hành trình khám phá cố đô.

“Tuy nhiên, để duy trì, khai thác tốt thế mạnh, tiềm năng của du lịch làng nghề nói chung và nghề làm nón lá Huế nói riêng, thời gian tới, địa phương cần gắn việc quảng bá hình ảnh nón lá Huế với các giá trị văn hóa, lịch sử, áo dài Huế, festival Huế, tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch của địa phương” - ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng cho biết, sắp tới Sở Du lịch sẽ triển khai đề án “Phát triển du lịch nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2022-2030”, trong đó có làng nghề nón lá nhằm định hướng hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề làm nón của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn nghề làm nón với phát triển du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO