Gan to tày trời

Tinh Anh 31/05/2021 10:30

Chưa nhận được cái “gật đầu” của cơ quan chức năng, đơn vị thi công thủy điện Nước Long (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) đã phá rừng phòng hộ để làm đường thi công các hạng mục. Việc chưa được phép mà phá rừng đã là vi phạm pháp luật, đằng này lại là phá rừng phòng hộ, lãnh đạo đơn vị này quả là gan to tày trời.

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, rừng phòng hộ có tác dụng bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường... Rừng phòng hộ được phân theo mức độ xung yếu: Bảo vệ nguồn nước, phòng hộ biên giới, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển...

Luật Lâm nghiệp cũng quy định: Nghiêm cấm các hành vi xâm phạm rừng phòng hộ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể, tại Điều 55 nêu rõ: Đối với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, chỉ được khai thác cây gỗ đã chết, cây gãy đổ, cây bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi mật độ lớn hơn mật độ quy định.

Tất nhiên, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên còn được khai thác lâm sản ngoài gỗ, như: Măng, tre, nứa, nấm khi đã đạt yêu cầu phòng hộ; các loại lâm sản ngoài gỗ khác mà không làm ảnh hưởng đến khả năng phòng hộ của rừng. Như vậy, việc đơn vị thi công đường vào thủy điện Nước Long tự ý chặt phá rừng phòng hộ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Nói vậy, sẽ có ý kiến cho rằng, có thể lãnh đạo đơn vị thi công thiếu hiểu biết về pháp luật, không biết bị cấm chặt phá rừng phòng hộ nên mới làm vậy. Song, đây chỉ là các ngụy biện, bởi dọc con đường mới mở vào thủy điện Nước Long, vẫn còn sót lại nhiều tấm biển cấm: Rừng phòng hộ, cấm chặt phá, đốt rừng, lấn chiếm đất rừng, đào bới đất rừng.

Không lẽ những người cố tình phá rừng phòng hộ để mở đường vào thủy điện Nước Long không biết chữ nên không hiểu những tấm biển cắm ở đó viết gì và có ý nghĩa ra sao? Tất nhiên là không rồi, bởi giờ chúng ta đã xóa mù chữ hết cấp tiểu học, chẳng còn ai là không biết chữ cả. Họa chăng chỉ có một vài người mù chữ, không lẽ là tất cả?

Pháp luật đã quy định rõ là cấm mọi hành vi phá rừng, nhất là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Để đề phòng những người lấy lý do thiếu hiểu biết pháp luật để phá rừng, tại các khu rừng đều có cắm biển cảnh báo cấm phá rừng, đột rừng, lấn chiếm đất rừng. Vậy thì hành vi phá rừng, nhất là rừng phòng hộ chỉ có thể nói là cố tình vi phạm pháp luật.

Bản chất của việc quy hoạch và xây dựng ồ ạt quá nhiều công trình thủy điện vốn đã là phản khoa học, phá hoại môi trường thiên nhiên. Nay, các đơn vị xây dựng công trình thủy điện lại còn không e ngại phá thêm rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ để thuận lợi thi công, thì còn đâu hệ sinh thái, làm sao có thể bảo vệ đất đai, chống lũ quét, lũ ống?

Chắc chúng ta vẫn chưa quên thảm họa về thiên tai đối với đồng bào miền Trung vào khoảng cuối tháng 10/2020, đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Và chắc mọi người vẫn còn nhớ như in hình ảnh những trận sạt lở đất ở nhiều địa phương đã vùi lấp hàng trăm ngôi nhà, cướp đi nhiều sinh mạng mà cho đến nay một số người còn chưa tìm thấy.

Vì sao chúng ta lại phải gánh chịu những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt, tàn khốc đó? Rất dễ hiểu, đó là hậu quả của việc phá hoại môi trường, tàn phá rừng, để rồi không còn những lá phổi xanh điều hòa không khí, ngăn nước, chắn sóng, giữ đất, chống xói mòn... Những hậu quả đó chúng ta đều đã nhìn thấy trước từ rất lâu vẫn không tránh được.

Chẳng thế mà sau cơn lũ lụt lịch sử tại miền Trung vào cuối năm ngoái, chính Bộ trưởng Bộ Công thương (lúc đó) đã phải thừa nhận thời gian qua các công trình thủy điện phát triển quá nhiều, thiếu quy hoạch đã gây ra những bất lợi về môi trường. Có được sự thừa nhận đó của tư lệnh ngành, một loạt các tỉnh miền Trung đã phải trả giá quá đắt.

Không có rừng, nhất là rừng phòng hộ, làm sao có thể không làm đất đai bị sa mạc hóa, làm sao có thể ngăn sóng, chắn lũ, giảm mức độ hung hãn của thủy thần? Không có rừng, làm sao có thể chắn gió, chắn cát, ngăn sạt lở, xói mòn để lấn biển? Ấy vậy mà người ta cứ mặc nhiên phá rừng, không cần biết đó là rừng đặc dụng hay phòng hộ, khiến người dân phải lãnh đủ những hậu quả tàn khốc do mẹ thiên nhiên mang lại.

Vậy nên, việc đơn vị thi công thủy điện Nước Long tự ý phá rừng phòng hộ để mở đường thi công các hạng mục là không thể chấp nhận được và cần phải bị xử lý nghiêm khắc để răn đe phòng ngừa chung. Đáng xử lý hành chính thì xử lý, đáng truy cứu trách nhiệm hình sự thì cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ, không dung túng. Có như vậy mới không còn ai dám “gan to tày trời” nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gan to tày trời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO