Ông ALăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, địa phương vừa tiếp nhận thông tin về vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn xảy ra tại 2 thôn Pà Căng và Bến Giằng, thuộc xã Cà Dy, huyện Nam Giang.
Gỗ lâm tặc xẻ bỏ tại rừng chưa kịp vận chuyển đi tiêu thụ.
Sáng ngày 17/4, sau khi nhận được phản ánh của người dân, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại xã Cà Dy và nhờ người dân địa phương dẫn đường để đi vào khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn Pà Căng của địa phương này. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi vô cùng kinh ngạc khi tại đây nhiều cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc để lấy gỗ. Nhiều cây trơ gốc với đường kính hơn 1m. Những cây gỗ này bị triệt hạ kèm theo hàng loạt cây khác bị ngã đổ, gỗ nhánh cành, bìa còn bỏ lại tại hiện trường rất nhiều.
Xung quanh vụ phá rừng, chúng tôi đã trao đổi với ông Đinh Anh Tuấn - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Giang. Ông Tuấn cho biết, khu vực rừng thôn Pà Căng đã giao cho UBND xã Cà Dy quản lý, thực hiện giao khoán cho các hộ gia đình. Còn khu vực rừng thôn Bến Giằng xảy ra tình trạng người dân khai thác gỗ làm nhà và dùng trâu kéo ra ngoài bán cho một số đối tượng.
Theo ông Tuấn, từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện đã bắt được 10 m3 gỗ khai thác trái phép. Hiện lực lượng Hạt Kiểm lâm Nam Giang quá mỏng vì chỉ có 10 người, quản lý 40.000 ha rừng.
Như vậy chỉ đầu tháng 4/2019, trên địa bàn Quảng Nam có ít nhất 3 vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn; gần nhất là vụ phá rừng phòng hộ Đắk Mi (thuộc lâm phận xã Phước Đức, huyện Phước Sơn với gần 18 m3 và vụ phá rừng ở khoảnh 12, tiểu khu 675 thuộc xã Phước Đức, huyện Phước Sơn và vụ phá rừng tại xã Cà Dy. Riêng vụ phá rừng phòng hộ Đắk Mi đã xác định được 2 đối tượng là Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Long (cùng trú tại thôn 4, xã Phước Đức), vụ phá rừng cũng đã bị khởi tố. Các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng, đã khởi tố nhiều vụ án, nhiều đối tượng, tuy nhiên rừng phòng hộ vẫn liên tiếp bị tàn phá.