Gánh nặng thuế quá lớn

H.Hương 17/12/2020 08:00

Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam lại cao nhất. Trong đó, thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách.

Sáng 16/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Vepr) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Phân tích cấu trúc, xu hướng và gánh nặng thuế tại Việt Nam: Hướng tới một hệ thống thuế công bằng”.

PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết, tốc độ tăng thu thuế là tương đương với tốc độ tăng của GDP. Kể từ năm 2011 tỉ lệ thuế trên GDP của Việt Nam ổn định ở mức xung quanh 18%.

Theo nghiên cứu, tỉ trọng thuế trực thu đã giảm liên tục trong giai đoạn 2012 – 2017, từ 44,6% năm 2012 xuống chỉ còn 33,8% năm 2017. Điều này phần nào giảm đi tính lũy tiến của hệ thống thuế Việt Nam. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 – 2019 số liệu ước tính của Bộ Tài chính cho thấy tỉ trọng thuế trực thu có xu hướng tăng trở lại, ước đạt 38,9% năm 2019.

So sánh về tỉ trọng giữ thu thuế và GDP của Việt Nam với các nước ASEAN, theo PGS.TS Phạm Thế Anh: “Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN, nhưng tỉ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng”.

Bên cạnh đó ông Phạm Thế Anh cũng cho biết, hiện tại tỉ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Xu hướng cho thấy thuế trực thu vẫn đang tiếp tục giảm về tỉ trọng so với số gián thu. Cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.

Cũng tại hội thảo, vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra thảo luận liên quan đến thuế tài sản. Ông Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu thế giới) đặt câu hỏi: Tại sao ở Việt Nam thuế tài sản lại khó thực hiện trong khi loại thuế này mang lại nguồn thu cho ngân sách khá lớn.

TS Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam chưa có chưa có thuế tài sản nhưng đã đánh một số loại thuế liên quan tới tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Trong vòng 10 năm qua, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng vẫn chưa ban hành được.

Về thuế tài sản, TS Nguyễn Ngọc Tuyến nói thêm rằng đây là loại thuế cổ xưa nhất của các loại thuế. Bộ Tài chính từ 2011-2020 đã có dự thảo và thảo luận nhưng chưa ban hành được. Đây cũng là loại thuế lớn nhất nhưng không dễ thu vì thiếu sự đồng bộ giữa các bộ luật.

Chẳng hạn Luật Đất đai quy định giá đất do nhà nước ban hành để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi. Tuy nhiên, giá nhà đất lại do thị trường quyết định là chính.

Vị TS này lấy dẫn chứng, giá thị trường 1m2 đất ở Hà Nội có nơi là 2 tỷ đồng, có nơi 1 tỷ đồng nhưng khung giá UBND TP Hà Nội lúc cao nhất khoảng 200 triệu đồng. Chênh nhau gần chục lần vậy ban hành luật thuế tài sản thì căn cứ vào giá nào, 200 triệu đồng hay 2 tỷ đồng?”. Vậy thì căn cứ vào đâu để tính thuế?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng thuế quá lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO