Ghé vườn 'thập quả' phục vụ Tết của lão nông Hà Thành

Hoàng Vân - Ngọc Bích 30/01/2022 13:13

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, ông Lê Đức Giáp (68 tuổi, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đưa ra thị trường gần 100 cây “thập quả” với kiểu dáng độc đáo, được nhiều khách hàng “săn đón”.

Tiếp nối thành công từ năm trước, năm nay ông Giáp “trình làng” loại chanh đào, bưởi đỏ tạo nên vườn cây “độc nhất vô nhị” nức tiếng đất Hà Thành. Theo đó, lão nông đã “hô biến” cây bưởi, cây cam thành các loại cây “thập quả” dùng để trưng Tết.

Vườn "thập quả" phục vụ Tết của lão nông Hà Thành.

Với mong muốn tạo ra nhiều loại cây độc đáo phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng, ông Giáp đã “hiện thực hóa” ý tưởng của mình, mang đến loại cây thất quả “độc nhất vô nhị” phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân trên cả nước.

Năm nay, ông Lê Đức Giáp đưa ra thị trường gần 100 cây “thập quả”.

Nói về quá trình bén duyên với công việc ghép quả, ông Giáp tiết lộ, từ xa xưa mâm hoa quả là một trong những thứ quan trọng để trưng bày trên bàn thờ gia tiên trong ngày Tết của người Việt. Chính vì lẽ này, mà suốt từ nhiều năm nay ông đã nhen nhóm ý định tạo nên cây “thập quả” có ý nghĩa đặc biệt dùng để trưng trong nhà dịp Tết Nguyên đán.

Năm 2007, ông Giáp bắt tay vào thử nghiệm, song thời điểm đó, ông gặp nhiều khó khăn. Trong 2 năm đầu, cây do ông ghép không cho kết quả vì quả ra không đúng dịp Tết và thân cây yếu khi sử dụng cam để ghép.

Ông Giáp tiến hành ghép các quả lên cây theo thứ tự.

“Thời điểm mới bắt đầu, tôi cho ghép các loại quả cam, quýt, quất, phật thủ vào gốc cây cam. Tuy nhiên đến khi thu hoạch, các loại quả lại chín không đều nhau”, ông nhớ lại.

Rút kinh nghiệm, những năm tiếp theo, ông Giáp tiến hành ghép các quả lên cây theo thứ tự, tháng 5, 6 ông ghép quả cam, bưởi, còn quả phật thủ ông bắt đầu ghép vào tháng 9 để kịp thu hoạch.

Những năm gần đây, “cha đẻ” của loại cây “thập quả” cũng đã có những sáng tạo để bảo vệ cây khỏi sự tàn phá của các loài côn trùng gây hại.

Những ngày cuối năm, công việc của ông Giáp lại càng bận rộn.

“Đối với tôi, ghép cây không chỉ cần kĩ thuật mà cần phải có con mắt nghệ thuật, phải làm sao để cho thế cây vừa đẹp, vừa độc đáo, biết chỗ nào nên ghép nhiều, chỗ nào nên ghép ít” - ông Giáp giãi bày.

Vừa tỉa lá cho cây “thập quả” có dáng song thân, ông Giáp niềm nở chia sẻ: “Tôi không phải là người trồng đầu tiên mà chỉ là người thành công đầu tiên. Tôi trồng cây trước hết là vì đam mê, chưa biết bán được hay không nhưng thấy cây đẹp, phát triển tốt là thích”.

Cây "thập quả" có dáng hình chữ S đã được khách hàng đặt mua.

Theo ông, một cây ghép đạt chuẩn phải là những cây có các loại quả: chanh, cam, quất, phật thủ, bưởi chín cùng một lúc, màu sắc rực rỡ và nảy nhiều lộc, hoa ở ngọn và gốc. Ông Giáp thông tin, thời gian ghép cây rơi vào khoảng một năm. Cây “thập quả” do ông tạo sẽ giữ màu sắc và hương vị hết tháng Giêng, có khi kéo dài đến tháng 3, thậm chí tới cuối xuân.

Ông Giáp cho rằng, việc đưa “thành quả” lao động của mình tiếp cận với thị trường không quá khó. Bởi, ông trồng đã trồng thử nghiệm sản phẩm trước khi đưa chúng đến tay người tiêu dùng. Đến nay, khách hàng thường truyền tai nhau bởi sự độc lạ của sản phẩm mà ông tạo nên.

“Tiếng lành đồn xa”, cứ vậy ông Giáp mở rộng quy mô sản xuất và thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch.

Mỗi một cây có giá thành dao động từ 2 - 10 triệu đồng phụ thuộc vào kích thước và tuổi đời của gốc.

“Ngày nay, thị hiếu của khách hàng rất đa dạng, đặc biệt là đối với những người “sành chơi”, chọn cây trên phương diện nghệ thuật, chính vì lẽ đó mà người trồng cây cũng phải liên tục đổi mới, tạo ra nhiều thế cây độc lạ như: thế huyền, thế trực, thế long… nhằm thu hút sự chú ý. Có người gọi điện cho tôi yêu cầu cho xem ảnh cây thế huyền, nếu lúc trồng tôi để nguyên thế trực rồi nói không có thì lần sau chắc không bao giờ người ta hỏi mua cây của tôi nữa” - ông Giáp cho hay.

Năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến hết sức phức tạp gây cản trở cũng như khó khăn về mọi mặt của đời sống. Lão nông Hà Thành cho hay giá bán cây năm nay không biến động nhiều.

Trung bình, một cây có giá thành dao động từ 1,5 triệu trở lên, có những cây lên đến chục triệu phụ thuộc vào tuổi đời của gốc cây.

10 loại quả "rủ" nhau chín đều những ngày cận Tết.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, ông Giáp đưa ra thị trường khoảng hơn 100 cây "thập quả" với nhiều kiểu dáng độc đáo và đã được khách hàng “săn đón”, đặt mua hơn nửa số cây trong vườn vào 3 tháng trước Tết. Thời điểm hiện tại, ông đã bắt tay vào chăm những gốc cây mới cho vụ mùa năm sau.

“Hàng năm, tôi thường đào cây lên rồi hạ xuống 3 lần để cây có bộ rễ tốt hơn. Dù dịch năm nay phức tạp song số lượng bán ra vẫn đều đặn do hầu hết mọi người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên yên tâm hơn trong việc đi sắm Tết. Nhìn chung, sản phẩm của tôi không bị “ế”", ông Giáp thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghé vườn 'thập quả' phục vụ Tết của lão nông Hà Thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO