Già A Blong ở làng Le

Thanh Thủy 01/03/2018 17:37

Ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) không ai không biết già A Blong – người uy tín của làng. Nhiều người bảo, đến làng Le mà chưa gặp già thì coi như chưa hiểu gì về dân tộc Rơ Măm, một trong những dân tộc ít người nhất của cả nước.

Già A Blong ở làng Le

Già A Blong.

Kon Tum là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, cư trú. Trong đó, có 6 đồng bào dân tộc tại chỗ như: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Jrai, Brâu và Rơ Măm. Trong đó, làng Le là nơi cư trú của 120 hộ dân với khoảng 460 nhân khẩu người Rơ Măm. Đây là 1 trong số dân tộc rất ít người của Việt Nam. Người Rơ Măm sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, trồng cao su, trồng mì (sắn). Ngoài ra, bà con còn trồng bông, dệt vải.

Với vai trò là người có uy tín của làng, nhận thấy đời sống của bà con trong làng còn nhiều khó khăn, già A Blong và gia đình luôn đi đầu trong tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phương thức canh tác truyền thống trước đây. Thấy già làm hiệu quả, bà con trong làng đã học hỏi kinh nghiệm, làm theo để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngày ngày, già đến từng nhà, vận động bà con cải tạo vườn tạp, đất trống đồi núi trọc để tăng diện tích cây trồng, không phá rừng làm nương rẫy, không di cư hay vượt biên trái phép…

“Mình có cái chân dẻo dai, cái đầu biết nghĩ cộng với chăm chỉ làm ăn thì chẳng bao giờ sợ đói bụng đâu” - già A Blong vẫn tâm niệm vậy.

Theo lời kể của già A BLong, hầu hết trong các gia đình đều treo ảnh Bác Hồ trên bàn thờ. Người Rơ Măm nghĩ rằng, có được cuộc sống như bây giờ là nhờ công ơn của Bác Hồ, ai cũng coi Bác như người Cha trong gia đình. Mọi người trong làng đều học theo tấm gương đạo đức của Bác nên bà con sống rất đoàn kết, thương yêu nhau, cùng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm kinh tế.

Không chỉ có vậy, già làng A Blong được ví như “pho sử sống” của làng bởi mọi việc của làng Le ông nhớ hết. Năm 1973 với cấp bậc trung sỹ, ông rời quân ngũ về đi học bổ túc văn hóa, rồi ra làm ở bưu điện huyện. Đến năm 1974 lại chuyển sang làm cán bộ giáo dục, chuyên về phong trào học tập, xây dựng trường lớp. Vừa làm vừa học ông cũng tốt nghiệp được sơ cấp sư phạm, năm 1987 được huyện phân công dạy từ lớp 1 đến lớp 5 ở trường tiểu học ngay tại địa bàn xã. Lúc ấy, ở xã ông là người có học cao nhất. Đến năm 1991 ông được cử làm hiệu trưởng trường tiểu học của xã và ở vị trí đó 18 năm. Với sự vận động của ông, tất cả trẻ em làng Le và các làng trong xã đều đến trường học và không còn ai mù chữ.

Về hưu trước tuổi từ năm 2009 nhưng ông không chịu nghỉ ngơi, tiếp tục tham gia công việc của làng, xã, ông được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Nhận được sự tín nhiệm của bà con, già làng A Blong luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhất phần việc của mình. Từng công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, già làng A Blong hiểu rõ việc học hành có lợi cho đời sống con người như thế nào, nên ông luôn động viên những gia đình có điều kiện cho con em tiếp tục học lên cao. Con cái trong gia đình ông cũng cũng được ông động viên, khuyến khích đi học ở các trường trung cấp, cao đẳng trong tỉnh. Ông rất tự hào khi làng Le của ông bây giờ có nhiều người học cao, làm ở cấp huyện, cấp tỉnh. Có cái chữ, cuộc sống của người dân ngày càng đổi thay hơn…

Ông A BLong là một trong số người có uy tín tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017. Có lẽ đến giờ tôi vẫn không quên gương mặt ông, bởi ở đó đong đầy niềm vui và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Già A Blong ở làng Le

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO