Giá cước vận tải: 'Nghe ngóng' nhưng chưa chịu giảm

Ngọc Quang 11/08/2022 07:16

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có văn bản yêu cầu kiểm soát chặt việc kê khai của các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định và taxi trên địa bàn thành phố; kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không đủ cơ sở. Cùng với đó, yêu cầu các đơn vị kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm...

Xăng dầu giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn neo cao.

Văn bản của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cũng chỉ rõ, giá nhiên liệu xăng dầu (từ thời điểm ngày 1/1 đến 21/7) đã giảm giá 6 lần. Đặc biệt, từ kỳ điều hành ngày 1/8 vừa qua, xăng dầu liên tiếp giảm sâu 4 lần chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Sở GTVT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước, kiểm soát chặt các nội dung kê khai của các đơn vị khi đến nộp hồ sơ kê khai giá, kiên quyết không cho kê khai tăng giá cước khi không có đủ cơ sở.

“Các tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý, rà soát các chi phí cấu thành giá, điều chỉnh kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm để góp phần vào công tác bình ổn giá chung trên địa bàn thành phố”- văn bản nêu rõ đồng thời yêu cầu “Thanh tra giao thông, Phòng Kế hoạch Tài chính phối hợp với Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn TP Hà Nội”.

Đây là chỉ đạo cần thiết tuy rằng cũng chưa thật kịp thời, khi mà xăng dầu liên tục giảm nhưng giá vận tải vẫn neo cao. Trước đó, ngày 3/8, Bộ Tài chính đã yêu cầu quản lý chặt giá cả mặt hàng thiết yếu và giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu đã hạ rất sâu sau nhiều đợt điều chỉnh. Cụ thể, tại kỳ điều chỉnh ngày 1/8 (đợt thứ 4 liên tiếp đi xuống), so với cuối tháng 6, mỗi lít xăng RON 95-III rẻ hơn khoảng 7.270 đồng; E5 RON 92 hạ 6.680 đồng; dầu diesel giảm 6.110 đồng.

Vì sao giá xăng dầu giảm sâu và còn có khả năng tiếp tục giảm (trong lần điều chỉnh giá vào ngày hôm nay, 11/8), nhưng giá vận tải vẫn neo cao, “chây ỳ” không chịu giảm. Một số ý kiến cho rằng đó là do “độ trễ”, chưa thể hạ ngay. Điều đó có đúng không?

Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của một số hàng hóa dịch vụ như vận tải. Việc giảm giá xăng dầu từ đó giảm giá cước vận tải (hành khách, hàng hóa) sẽ tác động trực tiếp đến giá của các mặt hàng. Theo quy định, Bộ GTVT, Sở GTVT tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khách bằng taxi; giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá… Vì vậy, “độ trễ” hay nói đúng hơn là sự “chây ỳ” không chịu hạ giá cước vận tải thì trách nhiệm trước hết phải thuộc về bộ và các sở GTVT.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT; đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá. Từ đó, đề xuất, tham mưu cơ quan có thẩm quyền có biện pháp quản lý giá phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng cần phải nhắc lại, trong 4 sắc thuế đối với mặt hàng xăng dầu, Chính phủ đã giảm 2 sắc thuế. Trong đó thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung (từ 4.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít) và thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) từ 20% xuống 10%.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giao thông công cộng vẫn tăng 2,16% trong tháng xăng dầu giảm sâu. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,64%, đường bộ tăng 2,73%, taxi tăng 1,22%, đường sắt tăng 0,32%, xe buýt tăng 2,29%.

Lý giải về tình trạng giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải không hề suy chuyển, thậm chí còn đang có dấu hiệu tăng, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), cho biết có 3 yếu tố tác động. Thứ nhất, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Vì vậy, khi có một yếu tố biến động, đơn vị kinh doanh mất thời gian tính toán lại chi phí. Thứ hai, các đơn vị cũng phải “nghe ngóng” các yếu tố khác như tâm lý khách hàng, động thái của đối thủ cạnh tranh. Thứ ba, với vận tải đường bộ, chẳng hạn như taxi, sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT các tỉnh, sau đó điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá. Doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng không thể điều chỉnh ngay giá vé bởi thủ tục xét duyệt phức tạp, in lại vé, đổi vé cũ cũng gây tốn kém.

Tuy nhiên, ông Bảo cũng thừa nhận rằng khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành đã giảm sâu, nhưng các đơn vị chưa kịp giảm hoặc là giảm chậm là không đúng.

Đã biết là không đúng, vậy thì tại sao giá vận tải vẫn neo cao? Câu hỏi đó cần sớm có câu trả lời trên thực tế.

Công điện số 679/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/7/2022 chỉ rõ: “Đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics: Bộ trưởng Bộ GTVT phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá cước vận tải: 'Nghe ngóng' nhưng chưa chịu giảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO