Giá đất không sát thị trường: 'Tài sản Nhà nước sẽ chuyển thành tài sản tư nhân'

M.Loan - H.Vũ 09/06/2022 07:08

Ngày 8/6, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Vấn đề tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá… là các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh): “Việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất trong thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất còn lúng túng, không thống nhất khi thực hiện. Bộ trưởng cho biết, sẽ xử lý những vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?”.

Sắp xếp nhà đất là nút thắt trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất trong thực hiện cổ phần hóa (CPH) gặp nhiều khó khăn, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là việc xác định lợi thế giá trị quyền sử dụng đất có nhiều cách nghĩ còn khác nhau dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xử lý những vấn đề này như thế nào và giải pháp trong thời gian tới?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời: Việc sắp xếp nhà đất là nút thắt trong CPH doanh nghiệp nhà nước. Vừa qua việc CPH chậm cũng từ khâu này. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công thì UBND các tỉnh phê duyệt phương án nhưng việc phê duyệt chậm.

Cho nên CPH giảm dần từ năm 2018 cho đến nay, năm 2021 CPH tổng thu ngân sách được hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là vấn đề về luật pháp cần hoàn thiện.

Nhận xét về phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng cơ bản bình tĩnh và tự tin. Trong bối cảnh chịu nhiều tác động nhưng thu ngân sách nhà nước tăng cao, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên sau 5 tháng thi hành một số chính sách lớn vẫn đang hướng dẫn, chưa áp dụng được. Mặt hàng xăng, dầu tăng cao, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Các mặt hàng mua sắm tập trung có sự sai phạm, nhất là vụ Việt Á. Do đó cần có giải pháp ứng phó với từng mặt hàng trong sản xuất, bình ổn giá. Đánh giá kỹ các mặt hàng, sửa đổi các quy định về mua sắm tập trung, y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Ông Phớc phân tích: Ví dụ gắn sắp xếp nhà đất vào CPH nhưng theo nghị định của Chính phủ hiện nay tài sản gắn với thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp. Còn đóng tiền thuê đất 1 lần thì tính vào giá trị doanh nghiệp.

Đây là kẽ hở cần xử lý, làm sao để khi CPH không bị thất thoát.

“Vừa rồi chúng ta thất thoát nhiều thông qua CPH doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu là từ đất. Các vụ án đều liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất. Khi tỉnh phê duyệt là đất thuê, còn doanh nghiệp nộp tiền 1 lần trong 50 năm thì tính là tài sản của doanh nghiệp.

Cho nên khi chuyển mục đích sử dụng thì tính giá đất không sát với giá thị trường tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước chuyển thành tài sản của tư nhân” - ông Phớc thừa nhận.

Quan tâm đến CPH, xử lý đất đai trong CPH doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) đặt câu hỏi, liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình CPH, thoái vốn hay không? Đề xuất giải pháp cho vấn đề này?

Đề cập đến giải pháp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng: Doanh nghiệp nhà nước khi chuyển qua CPH phải thực hiện sử dụng đất đúng theo mục đích sản xuất kinh doanh sau CPH. Nếu không phải trả đất lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ trả tiền tài sản trên đất. Đất đó Nhà nước sẽ đem để đấu giá. Như vậy sẽ thúc đẩy năng lực nền kinh tế và tiền không rơi vào túi tư nhân.

Nếu làm được như vậy sẽ nâng cao năng lực cho nền kinh tế, sức mạnh của doanh nghiệp theo hướng vươn lên, qua đó cũng ngăn chặn việc doanh nghiệp chỉ “nhìn vào vị trị đất có vị thế” trong CPH.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: “Vừa rồi chúng ta thất thoát nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu là từ đất. Cho nên khi chuyển mục đích sử dụng nếu tính giá đất không sát với giá thị trường sẽ tạo ra thất thoát, tài sản Nhà nước chuyển thành tài sản của tư nhân”. Ảnh: Quang Vinh.

“Bong bóng chứng khoán” và lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

Trả lời, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) về những diễn biến không lành mạnh trong thị trường chứng khoán gần đây, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Từ tháng 4 đến tháng 9/2021, Bộ Tài chính đã ra 5 thông cáo báo chí về rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Bộ cũng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán, ra công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan thanh tra.

Đầu tháng 4, cơ quan này thanh tra các công ty kiểm toán độc lập của các công ty chứng khoán, từ đó phát hiện nhiều sai phạm, chuyển cơ quan điều tra 34 vụ, xử phạt hành chính 568 vụ, với số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Ông Phớc cho biết, cán bộ Bộ Tài chính cũng có trách nhiệm trong việc này.

“Chúng tôi đã cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ, kiểm điểm nhiều người khác, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán, Tổng Giám đốc HoSE bị cách chức” - ông Phớc cho hay.

Quang cảnh buổi chất vấn ngày 8/6. Ảnh: Quang Vinh

Đưa ra giải pháp phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững trong thời gian tới, ông Phớc cho biết: Bộ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ.

Phối hợp với ngân hàng nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Đồng thời, Bộ cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật các cán bộ trong lĩnh vực tài chính có những vi phạm; rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về mức độ “bong bóng” của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay.

Thừa nhận “trong thời gian qua xảy ra một số hiện tượng về thao túng chứng khoán, thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng” - ông Phớc cho biết: Bộ đã có nhiều biện pháp, cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Theo đó, Bộ đã trình Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, biện pháp minh bạch thị trường chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi. Đồng thời, Bộ cũng theo dõi sự lên, xuống đột ngột của cổ phiếu.

“Với trái phiếu riêng lẻ sẽ thiết lập một kênh, một sàn riêng để theo dõi. Tới đây, cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm từ dòng tiền, giao dịch bất thường. Thông qua kiểm tra, Bộ Tài chính đã phát hiện ra những vi phạm, trong đó có việc lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm” - ông Phớc nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông):

Thực hiện cam kết, lời hứa

Cá nhân tôi thấy các đại biểu Quốc hội chất vấn rất trúng vấn đề và Bộ trưởng Bộ Tài chính nắm rất chắc vấn đề. Sự hỏi đáp gọn, rõ ràng, minh bạch. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trả lời sâu về các vấn đề, rất trách nhiệm.

Nhưng tôi kỳ vọng những vấn đề Bộ trưởng đã hứa, cam kết trước cử tri trước Quốc hội thì cần thực hiện tốt sau phiên chất vấn, cũng là để thực hiện tốt trước nhiệm của mình trước Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp):

Giải pháp Bộ trưởng đưa ra là xác đáng

Bộ trưởng đã trả lời rành mạch cụ thể, rõ ràng, những giải pháp đưa ra rất hợp lý và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ví như nút thắt trong cổ phần hoá chính là do định giá bất động sản chưa được hữu hiệu.

Vừa qua một số cán bộ lãnh đạo vướng vòng lao lý do liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, vì thế giải pháp mà bộ trưởng đưa ra là xác đáng. Tài chính là vấn đề nhạy cảm liên quan đến định giá tài sản, đấu thầu mua sắm tài sản, cổ phần hoá, bất động sản.

Cho nên quản lý tài sản theo giá thị trường không thiệt cho nhà nước và doanh nghiệp là điều cần thiết, làm sao để thu ngân sách và tiền xoay vòng ra phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phát triển đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá đất không sát thị trường: 'Tài sản Nhà nước sẽ chuyển thành tài sản tư nhân'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO