Giá điện tăng: Người dân và doanh nghiệp cùng lo

H.Hương-P.Vân 06/05/2023 14:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo tăng giá bán lẻ điện bình quân 3% so với giá hiện hành (1.864,44 đồng/kWh). Mùa nắng nóng đã đến, người dân lo lắng khi giá điện tăng kéo chi phí sinh hoạt tăng mạnh. Còn doanh nghiệp lo giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào.

Giá điện tăng khiến người dân và doanh nghiệp cùng khó khăn. Ảnh: Quang Vinh.

Chi tiêu của người dân tăng

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên hưu trí hàng tháng đang nhận mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng chia sẻ: “Nhà hai vợ chồng, tiết kiệm lắm thì mỗi tháng hè cũng hết khoảng 1,1 triệu tiền điện. Giờ tăng giá thì phải chi hơn 1,3 triệu là chắc rồi. Tăng điện là đánh vào túi tiền của người dân rõ nhất”.

Chị Trần Thị Minh Nhung ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, gia đình chị đang ở cùng bố mẹ chồng. 2 năm nay, mỗi tháng chị đều đóng tiền điện dao động từ 1,5 - 2,8 triệu đồng. Nay giá điện tăng 3 %, chắc chắn tiền điện nhà chị phải lên đến 3 triệu đồng. Như vậy là phải cắt bớt chi tiêu mới bù được tiền điện tăng.

Theo chị Nhung, lương chưa tăng mà giá điện đã tăng, giá hàng hoá tăng, khiến chi tiêu gia đình phải co kéo khá mệt.

Còn chị Nguyễn Thị Hương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị có 3 người, thuê trọ với giá hơn 3,5 triệu đồng/tháng, hiện chủ nhà trọ đang áp giá điện là 5.000 đồng/kWh (số). Phải ở trong không gian chật hẹp, những ngày mới bắt đầu hè gia đình chị phải dùng điều hòa nhiệt độ khoảng 3 tiếng buổi tối để thoát khỏi cái oi bức. Thời điểm chưa tăng giá điện, tháng nào cũng trả 800 tới 1 triệu đồng tiền điện, thêm tiền trọ nữa là hết 1/4 tháng lương. “Bây giờ điện tăng giá đành phải co kéo chứ kêu rồi cũng có ai giúp mình đâu” - chị Hương nói.

Doanh nghiệp lo lắng

Giá điện tăng sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.

Là chủ một doanh nghiệp (DN) mới tham gia hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông N.T.N nói rằng, với những DN non trẻ thì tiết kiệm được chi phí gì là phải tiết kiệm tối đa. Chẳng hạn vào mùa hè, công ty tốn rất nhiều điện để vận hành máy bơm tưới tiêu, hệ thống xúc rửa quả, kho lạnh… “Công ty cũng muốn tăng giá bán sản phẩm chế biến nhưng mà giá phụ thuộc thị trường, tăng giá thì không bán được hàng” - ông N. nói.

Còn anh Trần Thiên Tâm - quản lý một công ty cơ khí ở Bình Dương chia sẻ: Công ty cơ khí hoạt động gần như suốt ngày đêm, tiền điện hàng tháng lên tới hơn 400 triệu đồng. Giờ giá điện tăng, chờ kế toán tính lại chi phí cố định vận hành hàng tháng, từ đó lãnh đạo công ty ngồi lại với nhau xem xét có cần thiết tính lại giá sản phẩm để mời chào khách hàng hay không.

Trong khi đó, ông Phan Văn Tứ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng (Đồng Nai), cho hay, tăng giá điện là nỗi lo lớn với các DN sản xuất. Một năm, DN này chi khoảng hơn 2 tỷ tiền điện, có tháng cao điểm là 300 triệu. Trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, giờ có thêm bất kỳ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn hơn.

“DN đang tìm mọi cách để duy trì vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Giá điện tăng, chúng tôi cũng không thể tính ngay vào giá thành sản xuất, tăng giá sản phẩm đầu ra. Trong khi đó, đơn hàng giảm mạnh từ giữa năm ngoái đến nay chưa có dấu hiệu khởi sắc” - ông Tứ cho biết.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) việc điều chỉnh giá điện không tránh khỏi biến động nhất định. Giải pháp quan trọng nhất với người dân hay DN là phải có phương án sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, đồng thời phải sửa ngay biểu giá cố định qua bán lẻ điện theo hướng rút gọn.

Để giảm tình trạng "té nước theo mưa" sau khi tăng giá điện, ông Thỏa cho rằng cùng với chính sách bình ổn giá thì cũng cần nghiêm túc với việc công khai, minh bạch giá. Trước hết, cần yêu cầu các DN kê khai giá thành sản xuất kinh doanh những mặt hàng nhà nước định giá để tránh việc giá điện tăng bao nhiêu thì DN tăng bấy nhiêu.

“Cần xử lý nghiêm việc lợi dụng việc tăng giá điện để tạo hiệu ứng tăng giá các mặt hàng khác một cách thiếu kiểm soát, đặc biệt là các mặt hàng ở chợ dân sinh” - ông Thỏa nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực:

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ

Giá điện và giá xăng là giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN, cho nên khi giá điện tăng sẽ tác động đến cả lực cầu và lạm phát có thể tăng lên. Tình hình kinh doanh của các DN sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm... Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện tăng: Người dân và doanh nghiệp cùng lo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO