Tại buổi họp báo công bố điều chỉnh giá điện do Bộ Công thương tổ chức chiều ngày 1/12, nhiều thắc mắc về việc tăng giá điện của báo giới cũng như dư luận xã hội đã được giải tỏa.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên báo cáo đánh giá về giá thành điện năm 2016, được thực hiện bởi một tổ công tác do Bộ Công Thương thành lập với các đại diện từ Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đại diện Hội Điện lực, VCCI, MTTQ Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi của báo chí về việc tăng giá điện lần này, ông Tuấn khẳng định, phương án điều chỉnh giá điện lần này đã được Thủ tướng chấp thuận. Việc điều chỉnh giá bán điện lần này được thực hiện trên cơ sở kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 đã được kiểm toán độc lập và kiểm tra bởi Tổ công tác liên Bộ, trong đó có xem xét đến các yếu tố tăng giảm chi phí đầu vào và các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 và chi phí ước thực hiện năm 2017 theo quy định tại Quyết định số Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán điện lẻ bình quân.
Mức giá cho từng nhóm khách hàng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Về câu hỏi tăng giá điện ảnh hưởng thế nào đến lạm phát, và chi phí sản xuất của DN, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá điện mới sẽ làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.
Ông Nguyễn Cường Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN cũng cho biết thêm, trong 2,8 triệu hộ dùng điện thì có khoảng 78% dùng dưới 200 số điện. Và chỉ 5,7% số hộ sử dụng trên 400 số điện/ tháng.
Mặc dù khẳng định ngành điện đã có nhiều bước tiến trong việc công khai minh bạch hoạt động cũng như giá thành sản xuất kinh doanh, song ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nêu quan điểm, giá điện tăng không chỉ liên quan trực tiếp đến đời sống người dân mà còn cho DN, nên sẽ ảnh hưởng đến mức giá mặt hàng. Bởi vậy, việc tăng giá điện lần này không có sự tham gia của bên mua là người tiêu dùng là vẫn chưa thể hiện sự minh bạch.
"Chúng tôi không được tham gia quyết định giá bán, nếu được tham gia thì còn minh bạch hơn vì chúng tôi là đại diện khách hàng" - ông Hùng bày tỏ.
Liên quan tác động việc tăng giá điện từ 1/12/2017: Các hộ nhóm kinh doanh dịch vụ tăng chi phí thêm 5,7%, khách hàng sản xuất là 1,4%, khách hàng sinh hoạt là các hộ sử dụng tới 50 kwh/tháng: tăng 3.250 đồng/tháng, tới 100 kwh là 6.600 đồng/tháng, 300 kwh là 23.000 đồng/tháng và tới 400 kwh là 34.800 đồng/tháng. Hiện có 5,4 triệu khách hàng chiếm 22,7% có tiêu thụ từ 50 - 100 kwh. Có 4,1 triệu hộ tiêu thụ (chiếm 17%) dưới 50 kwh. Tới 200 là 5,2 triệu hộ. Tăng giá điện làm tăng 0,07% giá sản xuất và làm tăng 0,08% CPI trong năm 2017.