Giá hàng hóa vẫn neo cao

H.Hương-Y.Thanh 15/08/2022 07:32

Sau 5 lần giảm giá liên tiếp, hiện giá bán lẻ mỗi lít xăng, dầu đã rẻ hơn khoảng 7.580-8.200 đồng so với thời điểm tháng 6/2022 và về mức cuối tháng 10/2021. Mặc dù giá xăng, dầu đã giảm sâu, nhưng hầu hết các mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức giá cũ, thậm chí có nhiều nhóm hàng tăng cao.

Người tiêu dùng phàn nàn, giá xăng, dầu giảm nhưng giá hàng hóa vẫn neo cao. Ảnh: Quang Vinh

Nhận tờ rơi giới thiệu về chương trình khuyến mại tại một siêu thị lớn gần nhà, chị Đinh Thu Hiền (tổ 6, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần đến siêu thị mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhưng khi đứng trước các quầy hàng, chị Hiền lại đắn đo. “Nhiều mặt hàng dùng cho gia đình tăng giá mạnh thời gian qua nên dù có khuyến mại tôi vẫn phải cân nhắc. Thu nhập chẳng tăng lên, nhưng giá cả cứ tăng nên phải lựa chọn kỹ”.

Xăng dầu giảm giá, thực phẩm vẫn tăng

Hiện tại siêu thị, hóa mỹ phẩm phục vụ gia đình như: dầu gội đầu, nước giặt, nước rửa bát; giấy vệ sinh; một số loại sữa tươi; các loại trái cây và cả dầu ăn loại can 5 lít đang có giá tốt hơn ngoài chợ vì kèm khuyến mãi. Trong khi đó đồ ăn hàng ngày như thịt, cá, rau ăn hàng ngày không khuyến mãi. Vì thế, dù muốn tận dụng thời gian mua sắm lúc khuyến mại nhưng giỏ hàng của những người như chị Hiền chỉ lèo tèo vài thứ.

Lo lắng khi chi phí sinh hoạt tăng đang là tâm trạng chung của nhiều gia đình. Chị Minh Phương (quận Đống Đa, Hà Nội) đang nuôi con nhỏ nói: “Bây giờ cái gì cũng đắt. Tôi mua cá hồi nấu cháo cho con một lát mỏng khi thanh toán cũng hơn 80.000 đồng; rồi thăn bò ngon cũng hơn 30.000 đồng/lạng. Nhiều mặt hàng tăng giá theo giá xăng nhưng khi giá xăng giảm không thấy hàng nào giảm giá”.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các chợ truyền thống, giá nhiều mặt hàng thực phẩm như tôm, thịt, cá, rau, trái cây... ít dao động trong vòng một tháng nay, sau khi đã lên cao. Chưa kể do ảnh hưởng của mưa bão mấy ngày qua, giá rau củ tươi, hải sản tươi sống lại tăng tiếp.

Tại chợ Gia Lâm, hơn 1 tháng nay giá thịt lợn đứng ở mức cao 120.000 đồng/kg; sườn thăn 150.000 đồng/kg; nạc vai 140.000 đồng/kg. Bên cạnh giá thịt lợn nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng tăng cao.

Đặc biệt mặt hàng trứng gia cầm tăng cao trong ngỡ ngàng. Bà Trần Thị Nhài, công chức nghỉ hưu ở Ngọc Thuỵ nói: “Trứng gà công nghiệp đã lên tới 40.000 đồng/chục, trứng gà ta loại ngon lên 55.000 đồng/chục. Giá trứng tăng cao quá!”

Còn đối với các loại rau, giá cũng đang tăng vọt sau đợt mưa bão: rau muống 10.000 đồng/bó, cà chua 30.000 đồng/ kg - 35.000 đồng/kg; khoai sọ 25.000 - 28.000 đồng/kg; hành lá 50.000 đồng/kg; rau mùi 80.000 đồng/kg.

Chị Bùi Thị Bích Phương (ở tòa HH 3B, khu chung cư Linh Đàm) cho biết, do rau củ quả, thịt, cá đều tăng nên chị phải tính toán rất kỹ trong chi tiêu hàng ngày. Mấy tháng nay giá thịt, cá tăng mạnh hơn các mặt hàng khác. Trong khi đó giá các mặt hàng khác cũng không giảm.

Trên lý thuyết việc giảm giá xăng dầu sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa, dịch vụ sử dụng xăng dầu làm đầu vào chính trong sản xuất. Tuy nhiên, hiện giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu có biến động tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ... Song tựu trung lại, giá hàng hoá vẫn neo cao dù giá xăng đã giảm sâu.

Người lao động tiếp tục gặp khó khăn khi giá thực phẩm vẫn neo cao. Ảnh:Quang Vinh

Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá

Mới đây Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp cần thiết, các sở, ban ngành có thể căn cứ vào thẩm quyền và điều kiện thực tế để trình UBND tỉnh/thành phố xem xét, quyết định thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục bình ổn giá. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp chủ động rà soát phương án giá kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Phía Bộ Công thương cũng đã có động thái, yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.

Tuy rằng đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan quản lý, nhưng người dân mong muốn giá hàng hoá giảm ngay. Nói như chị Lê Thu Hòa (Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) thì việc chờ đợi hơn cả một tháng nhưng giá hàng hóa không giảm là điều khó chấp nhận.

“Theo dõi qua báo đài, thấy các doanh nghiệp kêu do đứt gãy chuỗi cung ứng, giá xăng giảm nhưng chi phí cao vẫn làm khó doanh nghiệp là không đủ thuyết phục. Bởi xăng lên giá lên, xăng xuống thì giá phải xuống” - chị Lê Hòa nói.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do vậy nếu như giá hàng hoá thiết yếu mãi neo cao cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa của cơ quan chức năng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh, quan trọng là ý kiến phản ánh của người dân. Người dân có quyền phản ánh nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng mua bán, đi lại vẫn như cũ. Khi đó, họ có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng.

“Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời. Không thì người dân nản lòng, bởi kiến nghị nhiều mà không được xử lý” - ông Lực bày tỏ.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi giá hàng hoá giảm chậm cũng cần xem xét trách nhiệm vào cuộc của các cơ quan lý nhà nước về giá, cũng như trách nhiệm của địa phương. Phải chăng chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính cao buộc doanh nghiệp tính luôn vào giá thành, từ đó người tiêu dùng bị thiệt hại.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:

Phân phối không công bằng, trung gian hưởng lợi quá nhiều

Nghịch lý thị trường hiện nay là hoạt động phân phối không công bằng. Cấp trung gian hưởng lợi quá nhiều trong khi bản thân nhà sản xuất chưa chắc đã hưởng lãi nhiều còn người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.

Vì vậy, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả hơn thì câu chuyện “té nước theo mưa”, hay giá cả hàng hóa “lên nhanh, xuống chậm” sẽ khó chấm dứt.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Nếu giá không hợp lý thì xử phạt

Khi giá xăng dầu giảm, giá hàng hóa mà doanh nghiệp đưa ra không phù hợp thì khách hàng, người tiêu dùng cần phải có phản ứng. Giá cao quá, người tiêu dùng tẩy chay thì doanh nghiệp buộc phải hạ giá.

Bên cạnh đó cần xem xét vai trò của cơ quan nhà nước trong quản lý, điều hành giá. Mặc dù Nhà nước không thể buộc doanh nghiệp phải hạ giá. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không giảm giá, Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp thanh, kiểm tra. Nếu giá không hợp lý thì sẽ xử phạt… nhưng đây là biện pháp bất đắc dĩ.

T.Hằng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá hàng hóa vẫn neo cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO