Giá lợn giống cao, tái đàn gặp khó

Duy Hưng 22/05/2020 08:00

Hiện tại, khi giá thịt lợn đang tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi rất muốn tái đàn với mong muốn “gỡ” lại thiệt hại trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua. Tuy nhiên, hiện nguồn lợn giống khan hiếm, giá cao ngất ngưởng trong khi vốn đầu tư của người dân đã cạn kiệt.

Giá lợn giống cao, tái đàn gặp khó

11 Trang trại lợn của ông Nguyễn Văn Thục (xã Trực Thái-Trực Ninh-Nam Định) đã hoạt động trở lại.

3 triệu đồng/con lợn giống

Bên khu chuồng lợn bỏ trống, ông Phạm Văn Công ở thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản-Nam Định) cho biết, hồi tháng 4-2019, do mắc dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn gần 50 con lợn nái, lợn thịt của gia đình ông buộc phải tiêu hủy. Từ đó đến nay đã hơn một năm ông phải để trống chuồng. Mới đây, khi nhận được hơn 40 triệu đồng được Nhà nước hỗ trợ thiệt hại do phải tiêu hủy lợn, ông Công dùng số tiền trên để đầu tư xây sửa lại chuồng trại, đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, đề phòng dịch bệnh.

Ngặt nỗi, theo ông Công, chuồng trại sửa chữa đã xong nhưng ông chưa thể tái đàn vì... không còn tiền mua lợn giống. “Trước đây nguồn lợn giống do đàn lợn nái của nhà tự cung cấp, giờ đàn lợn mẹ đã bị tiêu hủy, muốn nuôi tiếp phải đi mua lợn giống. Nhưng lợn giống giờ rất hiếm, giá rất cao. Trước đây 1 con lợn giống giá chỉ khoảng 1 triệu, giờ 2,5 đến 3 triệu/con vẫn khó mua” - ông Công cho biết. Chưa “xoay” được tiền mua lợn giống nên dù muốn tái đàn nhưng đến giờ ông Công vẫn đang phải bỏ trống chuồng.

Ông Nguyễn Văn Thục, chủ trang trại chăn nuôi rộng 6.000 m2 ở xã Trực Thái (Trực Ninh-Nam Định) cho biết trước đây quy mô chăn nuôi của trang trại thường ở mức 800 con lợn thương phẩm/lứa. Đầu năm 2019, dịch tả châu Phi khiến trang trại bị thiệt hại nặng nề, phải tiêu hủy hơn 10 tấn lợn. Đến thời điểm hiện nay, khi điều kiện cho phép, ông Thục bắt đầu đầu tư chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, việc tái đàn mới đạt khoảng 300 con, quy mô chưa bằng một nửa so với trước dịch.

Lý giải nguyên nhân, ông Thục cho biết, trước dịch, giá lợn giống ở Nam Định chỉ loanh quanh 1 triệu đồng/con. Hiện lợn giống khan hiếm, tôi phải tìm mua ở Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, giá lên tới 2,5-2,8 triệu đồng/con, chưa kể chi phí vận chuyển. Mới tái đàn 300 con, chi phí lợn giống đã lên tới 750 triệu đồng. Nếu khôi phục quy mô như cũ (800 con/lứa), riêng tiền mua giống đã lên đến 2 tỷ đồng, chưa kể chi phí khác, tôi không đủ lực. Hơn thế, dịch mới tạm lắng, không ai dám chắc nó không quay lại, đầu tư ồ ạt lúc này rất rủi ro...” - ông Thục phân tích.

Tái đàn, cần nhưng phải an toàn

Theo bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Định, sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, thời gian qua người chăn nuôi trong tỉnh đang từng bước tái đàn lợn. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để bảo đảm việc tái đàn được an toàn, bền vững, từng bước khôi phục được đàn lợn trong bối cảnh dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trước đó UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, hộ, cơ sở chăn nuôi trong tỉnh phải thực hiện nghiêm một số biện pháp. Trong đó phải chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Việc thực hiện tái đàn lợn phải có sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền, thú y và người chăn nuôi, có lộ trình phù hợp với từng cơ sở chăn nuôi, từng địa phương.

Các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các biện pháp tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi ít nhất 1 tuần trước khi nhập lợn vào nuôi. Chủ cơ sở chăn nuôi có đơn đăng ký về thời gian, số lượng, đối tượng lợn nuôi tại cơ sở và cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học với UBND cấp xã. Huy động các tổ chức đoàn thể, người dân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch, bệnh.

Trước khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tổng đàn lợn của tỉnh Nam Định luôn duy trì khoảng trên 906 nghìn con. Thời gian qua, dịch bệnh đã khiến tổng đàn của tỉnh bị giảm mạnh. Trong năm 2020, tỉnh phấn đấu từng bước khôi phục đàn lợn, tổng đàn đạt 680 nghìn con, sản lượng thịt lợn đạt 145 nghìn tấn....

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn giống cao, tái đàn gặp khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO