Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi điêu đứng

Lê Bảo 02/03/2023 06:44

Theo tính toán giá thành nuôi lợn từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, tuy nhiên giá lợn hơi thu mua trên phạm vi cả nước thời gian này dao động từ 47.000 đến 53.000 đồng/kg lợn hơi. Như vậy, người chăn nuôi đang lỗ nặng.

Giá lợn hơi giảm mạnh trong khi giá thức ăn vẫn neo cao khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Ảnh: Bình Châu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện giá lợn hơi trên cả nước giảm do mức tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung dồi dào. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm 2.000 đồng/kg so với tháng 1-2023, dao động trong khoảng 49.000-51.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình giá lợn hơi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 49.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Hưng Yên giá lợn hơi ở mức cao nhất toàn miền 50.000 đồng/kg. Tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi ở mức thấp 48.000 - 49.000 đồng/kg. Tương tự tại TPHCM, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Trà Vinh giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống mức 51.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau giá đi ngang, hiện ở mức 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg. Các địa phương như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng giá lợn hơi được thu mua ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, với mức giá trên, người nuôi đang lỗ nặng. Giá lợn hơn ở mức 49.000 đồng/kg, người nông dân đang lỗ 11.000 đồng/kg lợn hơi.

Giá lợn hơi giảm song giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng như siêu thị vẫn ở mức cao. Tại chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn dao động ở mức 100.000 đến 160.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể thịt mông có giá 100.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 đồng/kg, sườn thăn 160.000 đồng/kg. Nêu nguyên nhân giá thịt lợn ở chợ vẫn neo ở mức cao, theo anh Lê Văn Lỗi, tiểu thương chợ Trung Kính cho rằng, là do chi phí vận chuyển, mặt bằng tăng trong khi đó sản lượng tiêu thụ giảm nên dù rất muốn giảm giá nhưng không thể giảm vì nếu giảm sẽ lỗ. “Trước bình thường mỗi ngày sạp hàng của tôi tiêu thụ từ 100 kg đến 150 kg. Ngày lễ, Tết lượng tiêu thụ gấp đôi nhưng từ đầu năm đến nay chợ luôn trong tình cảnh “người bán đông hơn người mua”, số lượng thịt tiêu thụ không vượt quá 50 kg thịt/ngày”- anh Lỗi chia sẻ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, nguồn cung thịt lợn dồi dào trong khi sức tiêu thụ yếu là nguyên nhân khiến cho giá lợn hơi liên tục lao dốc kể từ đợt “sốt giá” vào tháng 7 năm ngoái. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ước tính tổng số lượng lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm nay tăng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022. Cục Xuất nhập khẩu dự báo, trong quý I/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ các năm trước. Theo MXV, ngành chăn nuôi nước ta vẫn phải gồng mình trước những khó khăn của nền kinh tế ít nhất là cho tới quý II/2023. Do đó tự chủ nguyên liệu đầu vào vẫn là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới để phát triển bền vững. Tuy nhiên, những biện pháp ngắn hạn như tìm nguồn cung thay thế rẻ hơn hay thay đổi thành phần trong thức ăn để ứng phó với tình hình hiện tại sẽ là ưu tiên. Bên cạnh đó, triển vọng giá nông sản thế giới trong năm 2023 cũng nên được các doanh nghiệp theo dõi để đưa ra chiến lược mua hàng hợp lý.

Để ứng phó với giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho rằng, người chăn nuôi cần chủ động nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương như ngô, lúa, các phụ phẩm nông nghiệp khác để giảm nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp liên tục leo thang như hiện nay. Cùng đó, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi về vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì tổng đàn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi điêu đứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO