Giá nhà tăng ‘nóng’: Đâu là nguồn cơn?

QUỐC ĐỊNH 30/08/2021 07:39

Trong các khu đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp (DN) có “dính” 1 căn nhà có diện tích dù chỉ vài chục mét “đất ở” thì DN được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, và không “dính” mét vuông đất ở nào thì DN không được công nhận. Quy định trớ trêu này đã gây thiệt hại lớn cho hàng trăm DN, từ đó dẫn đến thực trạng thị trường thiếu dự án, thiếu sản phẩm nhà. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới giá nhà tăng “nóng” thời gian qua.

Ngày 29/8, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020”. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, quy định của luật chưa bao quát hết tất cả các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở theo đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2020, Luật Nhà ở 2014 và Luật Xây dựng 2020.

Trong giai đoạn 2015-2020, áp dụng Khoản 4, Điều 23, Luật Nhà ở 2014, chỉ có 1 trường hợp duy nhất là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất ở (có 100% đất ở) được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại thì tại điểm c, khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014) chỉ bổ sung thêm 1 trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2021 trở đi, tất cả nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp (có 100% đất nông nghiệp), hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở vẫn không được công nhận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Ông Lê Hoàng Châu đánh giá, quy định trên đã tạo lợi thế cho một số DN có sẵn dự án và sản phẩm nhà ở đạt được lợi nhuận “khủng”; làm cho số đông người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người nhập cư càng khó tạo lập nhà ở hơn và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, Nghị quyết số 94/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 20/08/2021, nêu rõ: “Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay”.

Đại diện HoREA đề nghị, cần sửa theo hướng, DN được quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhưng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở để xây dựng nhà ở thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá nhà tăng ‘nóng’: Đâu là nguồn cơn?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO