Gia tăng bất bình đẳng vì Covid -19

Hà Anh 13/01/2023 07:34

Cứ sau 30 giờ, đại dịch lại tạo ra một tỷ phú mới, đồng thời đẩy 1 triệu người vào cảnh nghèo đói. Cái chết và sự tàn phá không phải là điều duy nhất mà Covid-19 được nhớ đến. Đại dịch còn làm gia tăng sự bất bình đẳng trên toàn cầu trong 3 năm qua.

Khoảng cách giàu nghèo bị tăng nhanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Ảnh: The guardian.

Bất cập giàu - nghèo

Theo Bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới - Bloomberg Billionaires Index, 131 tỷ phú đã tăng hơn gấp đôi giá trị tài sản ròng của họ trong đại dịch. Người giàu nhất thế giới, Giám đốc Louis Vuitton, ông Bernard Arnault sở hữu khối tài sản trị giá 159 tỷ USD vào ngày 27/12/2022, tăng khoảng 60 tỷ USD so với đầu năm 2020. Ông Elon Musk - người giàu thứ hai thế giới - khoe khối tài sản trị giá 139 tỷ USD, ít hơn 50 tỷ USD so với trước đại dịch. Trong khi đó, tỷ phú Gautam Adani của Ấn Độ - người giàu thứ 3 thế giới - đã chứng kiến khối tài sản tăng hơn 10 lần trong giai đoạn này, từ khoảng 10 tỷ USD vào đầu năm 2020 lên 110 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Thế nhưng, cùng với đó, số người trở nên nghèo đi vì đại dịch cũng gia tăng mạnh mẽ. Trong năm 2020, gần 97 triệu người bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực, với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày (chuẩn nghèo do Ngân hàng Thế giới xác định). Thêm vào đó, hiện nay, lạm phát tăng vọt đang ảnh hưởng đến tăng trưởng tiền lương thực tế, ăn vào thu nhập khả dụng của người dân trên khắp thế giới.

Để kiềm chế giá cả tăng cao, các ngân hàng trung ương đang giảm dòng tiền chảy vào nền kinh tế bằng cách tăng lãi suất và rút thanh khoản dư thừa. Nhưng điều đó một lần nữa ảnh hưởng đến người lao động, khi các công ty – từ các hãng công nghệ như Amazon, Twitter và Meta cho đến các ngân hàng như Goldman Sachs – đồng loạt thông báo sa thải nhân viên vào cuối năm 2022.

Al Jazeera đã trò chuyện với các nhà kinh tế để tìm hiểu lý do tại sao người giàu tiếp tục giàu hơn ngay cả trong khủng hoảng và liệu điều đó có khó tránh mỗi khi nền kinh tế suy thoái hay không. Câu trả lời ngắn gọn được đưa ra, nhiều quốc gia áp dụng các chính sách như giảm thuế và khuyến khích tài chính cho các doanh nghiệp để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng như đại dịch. Các ngân hàng trung ương bơm tiền vào nền kinh tế để cho vay và chi tiêu dễ dàng hơn. Điều này giúp những người giàu có tăng tiền của họ thông qua các khoản đầu tư vào thị trường tài chính. Nhưng sự gia tăng bất bình đẳng là không thể tránh khỏi.

Những nguyên nhân thúc đẩy

Khi đại dịch bắt đầu, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã hành động để bảo vệ các thị trường tài chính bị ảnh hưởng nặng nề khi các chính phủ bắt đầu áp đặt các hạn chế phong tỏa. Để cứu nền kinh tế khỏi sụp đổ, họ đã cắt giảm lãi suất, do đó làm giảm chi phí đi vay và tăng nguồn cung tiền. Họ cũng bơm hàng nghìn tỷ USDvào thị trường tài chính với mục đích khuyến khích các công ty đầu tư vào nền kinh tế. Các ngân hàng trung ương lớn đã bơm hơn 11 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2020.

Những biện pháp can thiệp này đã gây ra sự bùng nổ về giá trị của cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác, nhưng sự gia tăng giá trị tài sản không đi kèm với sự gia tăng sản xuất kinh tế.

Ông Francisco Ferreira - Giám đốc Viện Bất bình đẳng quốc tế của Trường Kinh tế London (LSE) - cho biết: “Thay vì dẫn đến tăng sản lượng kinh tế, một lượng lớn tiền đột ngột đổ vào hệ thống tài chính đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về giá trị tài sản, bao gồm cả cổ phiếu, mang lại lợi ích cho người giàu”.

Theo báo cáo của Oxfam được công bố vào tháng 5/2022, các tỷ phú đã thấy vận may của họ tăng lên cao nhất trong 24 tháng cũng như trong 23 năm qua. Cứ sau 30 giờ, trong khi Covid-19 và giá lương thực tăng cao đang đẩy thêm gần 1 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, thì nền kinh tế toàn cầu cũng đang sản sinh ra một tỷ phú mới.

Bên cạnh đó, khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các hạn chế do Covid-19, nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh cùng với những cú sốc về nguồn cung đã góp phần khiến lạm phát toàn cầu chạm mức kỷ lục.

Điều đó đã buộc các ngân hàng trung ương phải kết thúc chính sách cho phép tiếp cận tiền dễ dàng. Họ cũng đã thông báo tăng mạnh lãi suất. Mục đích của họ bây giờ là giảm nhu cầu để giá cả giảm xuống, ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, cũng để hạ nhiệt thị trường việc làm. Để bảo toàn thu nhập sau sự thay đổi chính sách này, các công ty lớn đã bắt đầu tuyên bố cắt giảm việc làm.

Ông Dafermos - giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học SOAS ở London - cho biết: “Ngay cả khi lạm phát gia tăng, tỷ suất lợi nhuận của các công ty vẫn không giảm”. Theo ông Dafermos, các công ty lớn đang giữ lại lợi nhuận để chia cổ tức cho các cổ đông của họ thay vì tăng thu nhập từ tiền lương. Lãi suất tăng đã làm tăng chi phí đi vay, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu nhiều hơn của các nước đang phát triển và thu nhập thấp cho các chương trình phúc lợi vì họ có mức nợ công và nợ tư nhân cao.

“Do cách thức hoạt động của hệ thống tài chính toàn cầu, sẽ có rất nhiều áp lực buộc các nước đang phát triển phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Điều đó có thể tạo ra nhiều bất bình đẳng hơn" - ông Dafermos nói. Theo Oxfam, các quốc gia có thu nhập thấp đã chi khoảng 27% ngân sách để trả nợ, gấp đôi số tiền chi cho giáo dục và gấp 4 lần cho y tế.

Ông Nabil Ahmed - Giám đốc Tư pháp Kinh tế của Oxfam America - cho biết, đại dịch đã đẩy nhanh các cấu trúc bất bình đẳng có từ những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó, có thể là tự do hóa thị trường lao động, gia tăng độc quyền hoặc xói mòn thuế công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bất bình đẳng vì Covid -19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO