Gia tăng chi phí khám chữa bệnh trái tuyến

Khanh Lê 08/04/2021 09:00

Theo Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2021, do dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương (Hải Dương, Quảng Ninh, TP HCM), nên số chi và số lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể: Số lượt KCB giảm 10%, số chi giảm 4%. Tuy nhiên, chi phí bình quân cho một lượt KCB lại tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ năm 2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, nghĩa là không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu, không có giấy chuyển tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nếu được chỉ định và điều trị nội trú, thì chi phí sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% theo mức hưởng của nhóm đối tượng đó. (Hiện tại, quỹ chỉ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú. Quy định này không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú).

Chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, cần điều trị nội trú sẽ không cần giấy chuyển viện từ tuyến huyện. Tuy nhiên, số liệu ghi nhận trên Hệ thống thông tin giám định BHYT cho thấy có sự gia tăng đột biến các trường hợp người bệnh lựa chọn tự đi KCB ở tuyến tỉnh.

Cụ thể, trong 2 tháng thực hiện thông tuyến tỉnh, số lượt người bệnh tự đi KCB tại tuyến tỉnh tăng 68,7% (chưa kể số bệnh nhân được cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên đúng tuyến), với số chi cho các trường hợp này tăng 210,39%.

Đáng chú ý, một số địa phương có tỷ lệ số lượt và số chi KCB nội trú trái tuyến tăng hàng chục lần như: Yên Bái (tăng 1.128% số lượt KCB, số chi tăng 3.786%); Tuyên Quang (số lượt tăng 1.125%, số chi tăng 4.987%), Phú Thọ (số lượt tăng 758%, số chi tăng 2.302%), Hòa Bình (số lượt tăng 583%, số chi tăng 2.429%).

Lý giải về việc gia tăng trên, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, giao thông thuận lợi hơn, cùng với quan niệm của người dân vẫn tin tưởng vào tuyến y tế cao hơn, khiến nhiều người lựa chọn tự đi KCB tại tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định điều trị nội trú tại một số BV tuyến tỉnh khá cao, như Hà Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ có 17/100 bệnh nhân đến khám bệnh tại BV tuyến tỉnh được đưa vào điều trị nội trú.

Trước thực tế trên, để đảm bảo việc sử dụng quỹ KCB BHYT an toàn, hiệu quả, BHXH Việt Nam cũng đã yêu cầu các cơ sở KCB và BHXH cấp tỉnh giám sát, tránh tình trạng cơ sở y tế cố tình “đẩy” bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng nguồn thu.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế tham gia dự án Luật BHYT sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB BHYT theo giá dịch vụ; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT...

“Hiện, Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB theo định suất cho KCB ngoại trú đã dự thảo xong, đang được lãnh đạo Bộ Y tế xem xét. Thông tư hướng dẫn thanh toán chi phí KCB theo trường hợp bệnh (DRG) cũng đang hoàn thiện, dự kiến sẽ ký ban hành trong tháng 6/2021 và có hiệu lực từ tháng 7/2021. Những thay đổi này dự kiến sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện chính sách BHYT và giám sát sử dụng quỹ KCB BHYT” - ông Phúc cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng chi phí khám chữa bệnh trái tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO