Gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên

Kim Xuân 11/03/2023 08:30

Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên đang gia tăng nhanh chóng. Đặc biệt, tăng ở nhóm tuổi 15-24. Trong khi đó, theo bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn hạn chế.

Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Việt Nam là một trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút thuốc lá cao nhất.

Theo ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử.

Ông Huy cảnh báo, việc sử dụng thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... ngày càng phổ biến trong giới trẻ, làm gia tăng tỷ lệ sử dụng trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bị ảnh hưởng hút thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học.

Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.

Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Sau 10 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ sử dụng hút thuốc năm 2020 giảm 0,8% so với năm 2015, nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá được nâng lên. Việc tổ chức địa điểm không hút thuốc lá, mô hình không khói thuốc được thực hiện rộng rãi ở nhiều nơi trên cả nước. Từ đó, góp phần giảm cầu thuốc lá, giảm tác hại thuốc lá, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá vẫn còn có hạn chế. Tại một số địa phương, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá chưa thực sự được quan tâm. Một số quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không còn phù hợp với thực tiễn.

Nhiều chuyên gia kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó quy định cụ thể về quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá mới; kiên quyết không cho phép sản xuất, kinh doanh và lưu hành các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam; cần có chính sách phù hợp để quản lý các điểm bán lẻ thuốc lá; cấm buôn bán thuốc lá ngoài cổng trường học…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO