Gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp chủ động để ứng phó

M.Phương 28/03/2023 08:00

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng kèm theo đó, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại cũng gia tăng nhanh chóng, có thể dẫn tới nguy cơ mất thị trường. Chính vì vậy, theo các chuyên gia thương mại, dù đã có nhiều chuyển biến về nhận thức nhưng doanh nghiệp (DN) cần chủ động hơn trong việc ứng phó với các vụ việc điều tra để hạn chế rủi ro.

Bộ Công thương cho biết, sẽ luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, hàng hóa Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tính đến tháng 11/2022, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Canada và Australia.

Nhận định từ các chuyên gia, xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các DN Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Thế nhưng, việc này đã tạo ra áp lực cạnh tranh với ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Chính vì vậy, đi liền với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, DN cũng đang trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), thực tế, nhận thức về phòng vệ thương mại của DN trong nước ngày càng nhiều chuyển biến. Nhiều DN đã coi việc điều tra phòng vệ thương mại là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế và đã xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, bất cập hiện nay của nhiều DN là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để theo dõi và ứng phó linh hoạt. Mặt khác, hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện...

Nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng cho DN, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Bộ Công thương luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài, luật sư, hiệp hội và DN. Việc này nhằm kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại, cung cấp tới các bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác. Bộ Công thương cũng chú trọng cảnh báo sớm giúp các hiệp hội, DN nắm bắt được khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại, từ đó chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Đặc biệt, sau quá trình phối hợp xử lý vụ việc, có thể nhận thấy năng lực và kinh nghiệm của DN về phòng vệ thương mại đã dần được cải thiện, nhất là những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại như thép, thủy sản, gỗ... Theo Bộ Công thương, để hỗ trợ cộng đồng DN, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin, giúp DN hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra, từ đó chủ động ứng phó với các biến cố.

Tính đến tháng 11/2022, các nước đã tiến hành điều tra 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường có tần suất điều tra nhiều bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Canada và Australia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp chủ động để ứng phó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO