Giá trị của di sản văn hóa

Miên Thảo 11/01/2020 08:00

Thống kê của cơ quan chức năng, năm 2019, lượng khách du lịch tới tham quan 8 di sản thế giới tại Việt Nam tăng mạnh so với năm 2018, đạt 21 triệu lượt người. Đây là con số rất phấn khởi, cho thấy du lịch văn hóa của đất nước thực sự hấp dẫn du khách. Nếu như trước đây, người ta vẫn băn khoăn phát triển loại hình du lịch gì (du lịch chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch mạo hiểm…), thì nay có thể nói chính du lịch văn hóa là điểm mạnh của chúng ta.

Giá trị của di sản văn hóa

Dấu vết thời gian Khu di tích Mỹ Sơn.

Trong số 21 triệu lượt du khách tới tham quan 8 di sản thế giới tại Việt Nam, cụ thể: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón 4,4 triệu lượt khách. Trong đó có 2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 1.237 tỷ đồng. Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón hơn 6,3 triệu lượt khách. Trong đó có gần 5,6 triệu lượt khách trong nước, gần 760.000 khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 867,5 tỷ đồng. Quần thể di tích Cố đô Huế đón hơn 3,3 triệu lượt khách. Trong đó, khách quốc tế hơn 2,2 triệu lượt, khoảng 1,1 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 378 tỷ đồng. Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) đón 921 nghìn lượt khách. Trong đó, có 170 nghìn lượt khách quốc tế, trên 751 nghìn lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 266 tỷ đồng. Khu phố cổ Hội An đón 5,35 triệu lượt khách. Trong đó, có 4 triệu lượt khách quốc tế và trên 1,35 triệu lượt khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 300 tỷ đồng. Khu Di tích Mỹ Sơn đón 419.000 lượt khách. Trong đó, có 374.000 khách quốc tế, 45.000 khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 61 tỷ đồng. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đón 461.715 lượt khách. Trong đó, có 230.459 khách quốc tế, 231.256 khách trong nước, doanh thu từ du lịch 11,1 tỷ đồng. Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) đón 126.660 khách. Trong đó, có 7.255 khách quốc tế, 119.405 khách trong nước, doanh thu từ du lịch đạt 2,1 tỷ đồng.

Nhìn vào thống kê trên cho thấy, tùy từng di tích mà lượng khách quốc tế hay khách trong nước nhiều/ít hơn. Cùng đó, cũng thấy được doanh thu từ các điểm này cao thấp khác nhau. Khi đã nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu hy vọng rằng việc điều chỉnh sao cho phù hợp sẽ được các địa phương có di sản làm tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn rộng ra hơn ở một số điểm khác.

Chúng ta tự hào là “cường quốc di sản”, khắp từ Bắc tới Nam đều có di sản được UNESCO vinh danh; chưa nói đến di sản cấp quốc gia; trong đó bao gồm nhiều loại di sản khác nhau. Những năm qua, người ta vẫn bàn đến việc khai thác di sản thế nào, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Sau khi được vinh danh, không ít di sản bị cho là đã “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, để rồi cứ lịm dần. Ngược lại, không ít địa phương đã quá hào hứng, khai thác quá triệt để làm di sản biến dạng. Nhất là với những di sản quần thể kiến trúc, việc làm mới “tô son điểm phấn” đã làm di sản khác xa so với nguyên bản gốc. Đành rằng phải tôn tạo, không để di sản xuống cấp nhưng không thể vì thế mà làm mới di sản. Người ta tới với di sản (nhất là di sản được UNESCO vinh danh) là để được chiêm nghiệm quá khứ; để được thấy quá khứ hiển hiện trong đời sống hôm nay; chứ không phải là để xem nó được làm mới.

Cũng cần phải nói tới việc “ăn theo” di sản trong quá trình phát triển du lịch.

Người viết bài này từng có dịp tới Hoàng thành Huế, phố cổ Hội An, Vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, khu di tích Mỹ Sơn… nhưng quả thật niềm hân hoan trong lòng giảm hẳn trước đội quân bán hàng cũng như “hệ thống dịch vụ”. Rất tùy tiện, tùy tiện đến mức khó chịu. Du lịch văn hóa là để chiêm nghiệm chứ không phải là để đối diện với những gì quá “đời thường”. Vì thế, có lần vào Đại nội Huế rồi, chúng tôi rủ nhau đi thăm nhà vườn, một vài phủ đệ xa xa… lúc ấy tinh thần mới thoải mái, mới được chìm đắm trong một không gian mà mình muốn kiếm tìm.

Lần khác, ở Mỹ Sơn, chúng tôi được một cán bộ văn hóa hào hứng giới thiệu về cách phục chế, những đội phục chế… nhưng rất tiếc là khi nói về những năm tháng xa xưa của những tòa tháp Chăm thì anh lại lướt qua.

Trở lại với việc du lịch văn hóa chính là điểm mạnh của đất nước, rất mong chất văn hóa trong đó nhiều hơn, dày dặn hơn. Nói cách khác là phải rất hiểu văn hóa để bảo tồn và phát huy; cũng như phải hiểu nó mới quảng bá được, mới khiến người ta yêu nó được. Còn chuyện dịch vụ ở những di sản văn hóa, thì hẳn vẫn còn là chuyện dài dài, khi mà không ít địa phương coi đó như một phương tiện “gặt nhanh ta gánh về”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị của di sản văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO