Giá trị đồng tiền

Lê Anh Đức 26/06/2017 10:45

Một doanh nghiệp vừa chi gần 80 tỷ đồng để xây tặng chính quyền và nhân dân TP Hải Phòng cây cầu tải trọng 18 tấn vượt sông Tam Bạc. Trước đó, UBND TP Hải Phòng cũng đã dự kiến xây một cây cầu tại đây với tổng mức đầu tư 88 tỷ đồng, song lại chỉ là dành cho xe máy và người đi bộ. Theo đó, nếu đầu tư một cây cầu mà xe ô tô tải trọng lớn có thể qua được thì đương nhiên giá thành sẽ đội lên trên 100 tỷ đồng là điều không cần phải bàn cãi. Cùng là tiền cả, nhưng xem ra tiền của doanh nghiệp “có giá”

Để tiện so sánh, cần đưa ra các thông số cụ thể của 2 cây cầu, một là dự kiến xây bằng tiền ngân sách, hai là xây bằng tiền túi tư nhân. Theo dự kiến của TP Hải Phòng, cây cầu vượt sông Tam Bạc sẽ rộng 6m, dài khoảng trên 50m với tổng mức đầu tư 88 tỷ đồng. Và điều chính yếu ở đây là cây cầu chỉ dành cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ. Muốn xe ô tô tải trọng lớn có thể qua được thì tất nhiên tổng mức đầu tư xây dựng cây cầu phải từ trăm tỷ trở lên.

Còn cây cầu vượt sông Tam Bạc mà doanh nghiệp tặng TP Hải Phòng có kết cấu bê tông cốt thép, mặt đường bê tông nhựa, chiều dài 136m, rộng 26,4m (lòng đường rộng 10m, hè mỗi bên 8,2m), trọng tải 18 tấn, được đầu tư đồng bộ hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng mỹ thuật cao và tự động hóa. Một cây cầu như vậy nếu theo cách thi công truyền thống lâu nay thì phải mất hàng năm mới có thể hoàn thành, song doanh nghiệp nói trên chỉ thi công trong vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng. Điều đáng nói là với một cây cầu “hoành tráng” như vậy nhưng doanh nghiệp chỉ phải đầu tư “tất tần tật” số tiền là 78 tỷ đồng, thấp hơn 10 tỷ đồng so với cây cầu mà UBND TP Hải Phòng sự kiến xây cho xe máy, xe thô sơ và người đi bộ.

Cầu vượt sông Tam Bạc do doanh nghiệp tư nhân xây tặng TP Hải Phòng được đánh giá là công trình có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển giao thông đô thị của TP Hải Phòng, đáp ứng mong đợi của nhân dân khu vực phường Hạ Lý, phường Phạm Hồng Thái nói riêng và nhân dân quận Hồng Bàng, cũng như TP Hải Phòng nói chung, góp phần chỉnh trang, phát triển đô thị, tăng sự thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Trước nghĩa cử này, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Công ty TNHH Sơn Trường đối với thành phố, bởi việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng công trình cầu vượt sông Tam Bạc có nghĩa lớn cho hiện tại và tương lai.

Việc một doanh nghiệp tư nhân không ngại ngần “rút hầu bao” chi ra gần 80 tỷ đồng để xây cầu tặng TP Hải Phòng là tiền lệ tốt mở ra hướng huy động nguồn lực mới cho đầu tư phát triển hạ tầng của Hải Phòng nói riêng và các tỉnh thành phố trên cả nước nói chung. Không hề hiếm những cá nhân, tổ chức sẵn sàng cống hiến nhân lực, vật lực cho những nghĩa cử cao đẹp như vậy, chỉ có điều các cấp chính quyền có biết khơi dậy, khuyến khích và ủng hộ cho họ hay không mà thôi. Chẳng phải cũng đã có gương ông Năm Hấp ở quận Tân Phú (TP HCM) tự nguyện cắt đất, bỏ tiền đầu tư xây chợ cho những người buôn bán nghèo có chỗ để họp chợ thay vì lang thang bán rong đó sao?

Song, cũng từ sự đầu tư xây dựng cầu vượt sông Tam Bạc của doanh nghiệp tư nhân trên mới thấy rằng, lâu nay ngân sách nhà nước bị thất thoát khá nhiều trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Vì sao những công trình xây dựng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước luôn có giá thành cao hơn hẳn so với việc tư nhân đầu tư tiền túi của họ? Tệ hơn nữa là có những cây cầu được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, để rồi khi mới hoàn thành đã bị lún, nứt, lại phải đầu tư thêm tiền bạc và công sức để gia công sửa chữa. Vấn đề ở chỗ hầu như trong tất cả những trường hợp như vậy, không có bất cứ ai phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát ngân sách đó.

Thời gian thi công thì lâu, giá thành cao, lẽ nào tiền tư nhân có giá trị hơn tiền ngân sách? Hoàn toàn không phải như vậy! Tiền nào thì cũng là tiền, chỉ có điều tiền ngân sách hay bị người ta gọi là “tiền chùa” nên ít người có ý thức giữ gìn, tiết kiệm, đó là còn chưa kể không ít người còn ủ mưu, dùng trăm phương ngàn kế để bớt xén đút túi làm giàu cho bản thân. Đó là lý do cốt lõi để lý giải cho câu hỏi vì sao giá thành các công trình xây dựng được đầu tư từ ngân sách nhà nước luôn cao ngất ngưởng, thi công ì ạch không đảm bảo tiến độ dự kiến khiến phát sinh thêm nhiều phụ phí.

Tóm lại, giá trị đồng tiền dù của tư nhân hay ngân sách nhà nước cũng đều quý cả. Quan trọng là hành lang pháp lý siết chặt hơn, các cơ quan quản lý có trách nhiệm hơn, sát sao hơn trong việc kiểm soát từ khâu thiết kế, thi công, nghiệm thu... tin rằng dù đầu tư từ nguồn vốn nào, thì các công trình xây dựng cũng sẽ chỉ tiêu tốn tiền bạc đúng với giá trị của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị đồng tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO