Giá vàng chưa dứt đà tăng

H.Hương 16/02/2022 06:22

Giá vàng tiếp tục có phản ứng mạnh khi biên độ tăng, giảm đang rất lớn từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/ lượng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn an toàn trước rủi ro địa chính trị và là tài sản phòng ngừa lạm phát. 

Vàng vẫn được nhiều người lựa chọn là kênh “trú ẩn” an toàn. Ảnh: Quang Vinh

Nhiều yếu tố hỗ trợ kim loại quý

Tính đến 9 giờ sáng ngày 15/2, giá vàng trên sàn Comex đứng ở mức 1.870 USD/ounce. Giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về những xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhiều lần liên tiếp trong năm nay cũng như thị trường chứng khoán lao dốc, giá dầu lập đỉnh cao mới...

Tại thị trường trong nước, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng SJC tiếp tục tăng mạnh tới gần nửa triệu đồng/lượng, đẩy giá bán ra lên trên mức 63 triệu đồng/lượng, gần chạm mức cao nhất lịch sử mà giá vàng đạt được trước ngày Vía Thần tài 10/2 vừa qua.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường Hà Nội niêm yết ở mức 62,5 - 63,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng tại TP Hồ Chí Minh là 62,5 - 63,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI tại thị trường Hà Nội niêm yết ở mức 62,45 - 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tại TP Hồ Chí Minh ở mức 62,45 - 63,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC chênh lệch với thế giới hơn 12 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Và mức chênh hơn 12 triệu đồng/lượng giữa giá trong nước và thế giới là quá cao. Giải thích cho vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, do thiếu nguồn cung (từ nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào nhập khẩu vàng nguyên liệu) và chưa có Sở giao dịch vàng, nên giá vàng trong nước có thể sẽ tiếp tục cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi.

Đại diện một DN lớn kinh doanh vàng phân tích rằng, vàng trong nước không liên thông với thế giới nên cung - cầu vàng ở thị trường nội địa sẽ quyết định giá trong nước. Vì thế, khó tránh được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế lên mức cao. Tuy nhiên, vàng SJC có giá cao là do cung cầu của dòng sản phẩm này (thương hiệu độc quyền SJC). Còn giá vàng nữ trang thì không chênh nhiều so với vàng quốc tế. Trong khi đó, giá nguyên liệu vàng đầu vào cao hơn, nhưng giá công sản xuất tại Việt Nam rẻ hơn nên mặt bằng giá trang sức vàng của Việt Nam hiện vẫn còn thấp hơn so với giá thế giới.

Dòng tiền liệu có “trú ẩn” vào vàng?

Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) đưa ra dự kiến, thị trường vàng năm 2022 sẽ đối mặt với những động lực tương tự trong năm 2021, với các lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy cũng như làm suy yếu tình hình thị trường. Trong thời gian tới, giá vàng có thể sẽ tác động đến tỷ giá thực, theo đó sẽ ảnh hưởng tới tốc độ các ngân hàng trung ương toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ và hiệu quả của chính sách trong việc kiểm soát lạm phát.

Trước đây, những động lực thị trường này đã tạo ra những “cơn gió ngược” cho kim loại quý. Tuy nhiên, tình hình lạm phát gia tăng vào đầu năm nay và khả năng thị trường điều chỉnh sẽ có thể duy trì nhu cầu đối với vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, thị trường vàng có thể tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhu cầu của người tiêu dùng và ngân hàng Trung ương.

Trong khi đó nhận định về giá vàng thế giới trong nửa đầu năm 2022, ông Lê Trí Thông - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc PNJ cho rằng, lạm phát thế giới gia tăng và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã lên kế hoạch tái tăng lãi suất cơ bản USD, thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, xu hướng được các nhà phân tích đưa ra, USD sẽ yếu đi, thị trường chứng khoán sẽ có các điều chỉnh trong năm 2022 nên các tài sản có tính bền vững như vàng sẽ được người dân gia tăng nắm giữ và thị trường Việt Nam cũng trong xu thế chung này.

Chuyên gia tư vấn tài chính, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, năm nay, vàng có khả năng “rực rỡ” hơn so với năm 2021 nhờ hưởng lợi từ lạm phát toàn cầu tăng cao, các quốc gia thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. “Lạm phát và thắt chặt tài khóa, tiền tệ gia tăng trên toàn cầu sẽ khiến nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ… Tuy khả năng tăng giá là rất lớn, song giá vàng khó có thể bật tăng mạnh như năm 2019-2020, vì bên cạnh yếu tố hỗ trợ tăng giá, vàng cũng bị cạnh tranh bởi nhiều kênh đầu tư an toàn khác như trái phiếu doanh nghiệp, Yên Nhật, bảo hiểm…”, ông Khánh cho biết.

Đưa ra kịch bản giá vàng năm 2022, hầu hết các chuyên gia đều nhận định, giá vàng sẽ dao động ở mức 1.800 - 2.000 USD/oz. Ngoài yếu tố lạm phát, vàng còn đang được hỗ trợ bởi nguy cơ xung đột giữa Nga và Ukraine; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất… Nói cách khác, xu hướng vàng tăng giá từ nay đến cuối năm là rất lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vàng chưa dứt đà tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO