Sáng 6/1, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cùng quay đầu giảm mạnh. Giá vàng trong nước về gần 67 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng trong nước
Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng là 66,2 - 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh có giá mua vào bằng với giá niêm yết tại Hà Nội và Đà Nẵng nhưng giá bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng.
Vàng DOJI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có giá mua vào và bán ra lần lượt là 66,2 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng.
Vàng Vietinbank Gold có giá mua vào ở mức 66,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 67,02 triệu đồng/lượng. Phú Quý SJC có giá mua vào và bán ra lần lượt là 66,15 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng.
Nhìn chung, giá mua vào và bán ra của vàng chênh lệch khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước cập nhật sáng 6/1 như sau:
Giá vàng thế giới
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay quay đầu giảm mạnh với giá vàng giao ngay giảm 21,7 USD xuống còn 1.833,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.840,6 USD/ounce, giảm 18,4 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Kim loại quý thế giới bị đè nặng bởi sự vươn lên mạnh mẽ của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 0,85% lên vượt ngưỡng 105. Đồng USD đảo chiều tăng cao và gây áp lực cho vàng sau khi báo cáo việc làm trong tháng 12 từ ADP được công bố cho thấy thị trường việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến.
Vàng giảm sau khi bảng lương tư nhân của Mỹ trong tháng 12 bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo.
Theo đó, khu vực tư nhân tăng thêm 235.000 việc làm, thay vì dự báo 127.000 việc làm.
Trước đó, vàng đã có 2 phiên đầu năm mới tăng vọt, có lúc lên trên ngưỡng 1.865 USD/ounce - mức cao nhất trong gần 7 tháng, trong bối cảnh đồng USD giảm trở lại. Vàng đã bắt đầu xu hướng tăng giá từ đầu tháng 11/2022 khi thị trường tài chính thế giới chao đảo.
Sức cầu lớn từ khu vực châu Á khi nhiều nước bước vào mùa cao điểm tiêu thụ vàng đã thúc đẩy giá mặt hàng kim loại này.
Hiện giới đầu tư đang chờ số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 12 của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu. Dữ liệu tốt hơn mong đợi sẽ ảnh hưởng đến vàng, làm tăng kỳ vọng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ở chiều ngược lại, bất kỳ số liệu thất vọng nào về thị trường việc làm cũng sẽ khiến đồng USD giảm giá, qua đó giúp đẩy giá vàng đi lên.
Trong năm 2023, nhiều dự báo cho rằng vàng sẽ tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ được dự báo suy thoái, rủi ro chứng khoán gia tăng, đồng USD quay đầu giảm và lạm phát vẫn còn ở mức cao.
Một số tổ chức cho rằng, giá vàng có thể vượt quá ngưỡng 2.100 USD/ounce.