Giá xăng liên tục tăng, tài xế công nghệ hết thời ‘hái ra tiền’

Nguyễn Hoài 21/03/2022 15:00

Dịch bệnh kéo dài, giá xăng liên tục lập đỉnh, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác ập tới khiến nhiều tài xế công nghệ lao đao, có không ít người phải chuyển nghề để mưu sinh.

Khó chồng khó

Một vài năm trở lại đây, nghề lái xe công nghệ được xem là nghề có mức thu nhập tốt so mới mặt bằng thu nhập chung của người lao động. Nhiều tài xế chia sẻ rằng, thu nhập của họ ở những tháng cao điểm tăng gấp ba, bốn lần, ước tính từ 15 đến 25 triệu/tháng. Đã có thời điểm, nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm đã đổ xô chạy xe công nghệ.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương liên tục thực hiện giãn cách xã hội, tài xế công nghệ không được hoạt động khiến họ lao đao, xoay xở đủ kiểu để mưu sinh. Việc mở cửa trở lại hoàn toàn nhiều dịch vụ đã giúp tài xế công nghệ vực dậy phần nào. Thế nhưng, khó khăn này chưa qua, khó khăn khác lại ập tới khi giá xăng những ngày này liên tục lập đỉnh.

Giá xăng tăng cao khiến nhiều lái xe công nghệ lao đao.

Sau kỳ điều chỉnh giá bán lẻ mới nhất (chiều 11/3), xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít. Sau khi tăng, hiện giá bán lẻ tối đa tính đến ngày 20/3 cụ thể với xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít.

Với đà giảm của giá dầu thế giới những tuần qua, dự báo giá xăng dầu trong nước trong kỳ điều hành giá của liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày hôm nay 21/3 sẽ giảm. Nếu đúng như dự báo thì lần điều chỉnh này sẽ cắt đứt chuỗi tăng liên tục của giá dầu thời gian qua.

Trong khi chờ đợi thị trường xăng dầu ổn định trở lại, nhiều lái xe công nghệ cho biết, họ phải nghĩ ra nhiều cách để duy trì công việc hoặc tạm thời chuyển sang ngành nghề khác.

Thay vì mong ngóng chuông báo hiệu có đơn hàng, tuần qua, không ít lần anh Hoàng Văn Minh (quận Ba Đình, Hà Nội), nhân viên giao hàng công nghệ, phải quyết định hủy đơn. Nguyên nhân vì nhiều đơn hàng phải di chuyển khá xa, trong khi đó, giá xăng lại cao. Anh Minh cho biết, nếu không có cuốc chạy về thì những đơn hàng phải chạy xa chắc chắn bị lỗ.

Làm xe ôm công nghệ được 4 năm, anh Lưu Ngọc Phương (quận Đống Đa) chia sẻ, thời gian đầu anh mới làm nghề, giá xăng chỉ khoảng 14.000 đồng/lít, giờ tăng gấp đôi. Trong khi đó giá cước chỉ tăng nhỏ giọt, chỉ chưa đầy 10%.

“Cả tháng qua, chạy xe rạc cả người nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Tôi đang tính phải đổi nghề”, anh Phương cho hay.

Không còn cảnh chạy lòng vòng để bắt khách, nhiều tài xế công nghệ chỉ dám ngồi một chỗ chờ khách để tiết kiệm xăng. Theo các tài xế, hiện nay, một số anh em còn tắt app, dành thời gian làm thêm việc khác vì thu nhập đang không đủ trang trải cuộc sống.

Bình ổn giá cước vận tải

Giá xăng tăng kéo theo là giá cước dịch vụ vận chuyển tại nhiều tỉnh, thành phố cũng tăng theo. Từ đầu tháng 3, một số hãng xe công nghệ như Grab, Baemin, Be đã có điều chỉnh giá cước.

Theo biểu giá cước mới của Grab, tương ứng với mỗi quãng đường khoảng 5km, người dùng đặt xe GrabCar Plus 4 chỗ, ước tính sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng so với trước đây, chưa tính các phụ phí khác hay mức giá tăng vào giờ cao điểm.

Giá cước mới cho dịch vụ giao đồ ăn của Beamin cũng có sự điều chỉnh. Theo đó, ở mức 16.000 đồng cho 3 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo, trong khi dịch vụ đi chợ hộ có giá cước lên mức 21.000 đồng cho 3 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Nhiều lái xe công nghệ xoay xở nhiều cách để vượt qua cơn bão giá.

Không chỉ các hãng xe công nghệ gặp khó vì giá xăng tăng, các doanh nghiệp taxi truyền thống cũng buộc phải tăng giá cước để giữ chân người lao động. Tuy nhiên, mức tăng giá cước của các hãng chỉ vào khoảng 5% do lo ngại giá cước tăng cao sẽ khiến hành khách chuyển sang di chuyển bằng phương tiện khác.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nhận định, dịch Covid-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng dầu tăng càng khiến lái xe mất thu nhập, ngại việc và bỏ việc.

Khẳng định giá cước taxi sẽ phải tăng nhưng theo ông Hùng, tăng giá vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần nghiên cứu và đánh giá tình hình. Bởi hiện nay, trong cơn bão giá, bên cạnh các lái xe, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người dân cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu tăng thêm giá cước, sẽ chỉ khiến khách hàng quay lưng với dịch vụ.

Để khắc phục tình trạng này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định, giải pháp tối ưu trước mắt chính là hạ giá xăng dầu bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.

Theo ông Lâm, xăng dầu được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu như ngành vận tải. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển.

Để tăng cường công tác quản lý giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng giao Thanh tra Sở GTVT, Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc chấp hành các quy định quản lý Nhà nước về giá, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng để tăng giá cước vận chuyển hành khách trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá xăng liên tục tăng, tài xế công nghệ hết thời ‘hái ra tiền’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO